Làm rõ quan hệ thầu chính - thầu phụ

31/10/2013 03:00 GMT+7

Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) chiều qua, các đại biểu (ĐB) tập trung làm rõ những vấn đề còn tồn tại quan điểm khác nhau như dự án nào phải chỉ định thầu, cạnh tranh bình đẳng giữa các bên…

Thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Đấu thầu (sửa đổi) chiều qua, các đại biểu (ĐB) tập trung làm rõ những vấn đề còn tồn tại quan điểm khác nhau như dự án nào phải chỉ định thầu, cạnh tranh bình đẳng giữa các bên…

Trước đó, theo báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ QH, đa số ý kiến nhất trí với quy định, dự án sử dụng trên 30% vốn nhà nước hoặc thấp hơn 30% nhưng có tổng mức đầu tư bằng tiền ngân sách trên 500 tỉ đồng phải thực hiện đấu thầu theo luật. Quy định này nhằm đảm bảo nguồn vốn nhà nước được sử dụng một cách hiệu quả, công khai và minh bạch hơn, tránh thất thoát, tham nhũng, tiêu cực.

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng hiện nay đối với các công trình lớn có yếu tố nước ngoài thì 90% các nhà thầu của nước có tài trợ vốn sẽ trúng thầu, các nhà thầu phụ VN sau đó chỉ tham gia ở các gói nhỏ. “Tôi thực sự bức xúc vì lâu nay chưa có quy định rõ quan hệ giữa thầu chính - thầu phụ, cứ để hai bên tự thỏa thuận với nhau dẫn đến tình trạng nhà thầu phụ bị chèn ép”, ĐB Bảo nói. Cũng theo ĐB này, hiện nay gần như 100% thầu phụ là của VN vốn ít, lại vì “miếng cơm manh áo”, vì công ăn việc làm nên giá nào cũng phải làm, nhưng khi hợp tác với thầu chính của nước ngoài thì quy định buộc phải ứng vốn để làm trước. Còn thầu chính chỉ ứng khi nào chủ đầu tư rót tiền xuống. Ngay cả trong quy định lựa chọn nhà thầu, vì ưu tiên giá rẻ nên hầu hết các nhà thầu Trung Quốc với công nghệ lạc hậu, cũ kỹ thắng thầu. “Vì vậy, tôi đề nghị luật lần này phải bổ sung quy định rõ ràng về quan hệ giữa thầu chính - thầu phụ, quy định ngặt nghèo về đấu thầu trang thiết bị công nghệ, tránh nhà thầu trong nước lúc nào cũng rơi vào cảnh bị chèn ép, lép vế”, ông Bảo đề xuất.

Kiến nghị Bộ Y tế chịu trách nhiệm về giá thuốc

Trong dự thảo lần này có một chương riêng về đấu thầu mua thuốc của các cơ sở y tế, nhưng theo ĐB Nguyễn Văn Tiền (Tiền Giang) thì “không thấy điểm mới, trừ nguyên tắc đàm phán giá, đấu thầu tập trung, tương lai triển khai rất mù mịt do luật không quy định lộ trình, số lượng chủng loại cần đấu thầu đàm phán. Như vậy các cơ sở thích thì làm, không thích thì đợi. Để khắc phục tôi đề nghị, khi mua thuốc bằng ngân sách phải quy định rõ giá thuốc mua Bộ Y tế chịu trách nhiệm”.

Cũng theo ông Tiền, hiện có 1.143 loại thuốc đang được BHYT chi trả, nhưng “ai là người thực sự kiểm soát giá thuốc và chủng loại?”. “Trong nhiều năm qua các bệnh viện, bộ ngành không ai biết giá thuốc BHYT thanh toán cao hay thấp, trừ BHXH. Trong năm 2012, BHXH chi trả hơn 20.000 tỉ đồng tiền thuốc qua BHYT, do đó phải có cơ chế kiểm soát thanh toán, đấu thầu như thế nào, chứ không thể cứ phàn nàn trên báo chí rằng chỗ này cao, chỗ kia thấp”, ông Tiền nói và đề xuất: “Thực tế, 70% dân số có BHYT. Vì vậy, tôi đề xuất BHXH chịu trách nhiệm chính cùng Bộ Y tế trong quản lý giá thuốc. Bên cạnh đó, dự thảo quy định Hội đồng tư vấn quốc gia quản lý thuốc, nếu do Bộ Y tế thành lập và làm chủ tịch thì không hiệu quả, vì lâu nay chưa bao giờ Bộ Y tế nói giá thuốc cao. Bộ Y tế và Tài chính luôn luôn đá bóng nhau về giá thuốc. Vì vậy, hội đồng này phải do Bộ Tài chính hoặc BHXH làm chủ tịch mới có hiệu quả”.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.