Làm rõ vướng mắc, khắc phục bất cập thị trường xăng dầu

Lê Hiệp
Lê Hiệp
01/03/2023 04:18 GMT+7

Sáng 28.2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thị trường xăng dầu. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chịu trách nhiệm giải trình.

Thiếu hụt nguồn cung, giá "lệch pha" với thế giới

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Đức Hải cho rằng Chính phủ, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Việc thiếu hụt xăng dầu vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương; xăng dầu dự trữ theo quy định có những thời điểm không đạt. "Nhiều trường hợp khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước giảm và ngược lại", ông Hải nói và nhấn mạnh phải sớm đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu, xác định rõ vướng mắc, tìm ra nguyên nhân để đề ra giải pháp khắc phục.

Các đại biểu QH cũng chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành. Cụ thể như việc xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp (DN), dẫn đến thiếu minh bạch. Phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường. Việc lấy giá thế giới trung bình của 10 ngày trước để tính giá cơ sở, áp dụng cố định cho 10 ngày sau tạo ra sự "lệch pha" giữa giá xăng dầu VN và giá thế giới. Việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả DN cũng dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh. Việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cân nhắc giao Bộ Công thương quản lý nhà nước về xăng dầu để bảo đảm chủ động, linh hoạt…

Làm rõ vướng mắc, khắc phục bất cập thị trường xăng dầu  - Ảnh 1.

Biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới

Ngọc Dương

Tăng dự trữ, đảm bảo nguồn cung trong mọi tình huống

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết năm 2022 Bộ Công thương đã báo cáo Thủ tướng chỉ đạo các giải pháp trọng tâm để đảm bảo nguồn cung xăng dầu như: linh hoạt lựa chọn thời điểm điều hành giá xăng dầu, tăng lượng dự trữ xăng dầu quốc gia và cho phép sử dụng nguồn này để bù đắp, đảm bảo cung ứng xăng dầu trong trường hợp nguồn cung trong nước gặp khó khăn. Trong năm 2023, Bộ Công thương đã phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các DN ở mức

27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so năm trước nhằm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Về dự trữ quốc gia xăng dầu, ông Diên cho hay theo phương án bộ này đề xuất thì mỗi năm ngân sách cần chi tối thiểu 4.100 tỉ đồng để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên, mức chi này vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Hiện ngân sách chỉ bố trí được khoảng 1.500 tỉ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành dự trữ quốc gia.

Hiện nay, hai bộ Công thương và Tài chính đã rà soát, thống nhất báo cáo Thủ tướng xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia. "Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép, mỗi năm ngân sách sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỉ đồng (tương đương 1 - 2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu dự trữ quốc gia đến năm 2025 đạt mức tối đa", ông Diên cho hay.

Về việc tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các DN đầu mối, ông Diên khẳng định đang tích cực triển khai, song gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Lý do là Nhà nước chưa có kho dự trữ quốc gia, phải đi thuê của DN, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế. Ông Diên đề xuất Ủy ban Thường vụ QH cho phép tiếp tục hợp đồng với các DN như trước đây để lưu trữ xăng dầu. Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia, làm căn cứ cho Bộ Công thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia bảo đảm phù hợp với thực tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.