Nhân kỷ niệm Ngày lâm nghiệp Việt Nam 28.11 và 78 năm thành lập ngành lâm nghiệp (1.12.1945 - 1.12.2023), ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đã chia sẻ về một số thành tựu, định hướng của ngành lâm nghiệp trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, một trong những con số ấn tượng nhất của ngành lâm nghiệp những năm qua là xuất khẩu lâm sản. Cụ thể, xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, tỷ lệ xuất siêu cao.
Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á, thứ nhất Đông Nam Á về xuất khẩu lâm sản. Sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt tại hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Về con số cụ thể, nếu năm 2021, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 15,96 tỉ USD, xuất siêu đạt 13,03 tỉ USD thì năm 2022 đã đạt lần lượt 17,09 tỉ USD và 14,07 tỉ USD.
Năm 2023 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng 11 tháng qua, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản vẫn đạt khoảng 12,97 tỉ USD, xuất siêu 10,98 tỉ USD.
Tốc độ tăng giá trị gia tăng lĩnh vực lâm nghiệp 3 năm gần đây đạt bình quân trên 5,0%/năm (năm 2021 đạt 3,88%; năm 2022 đạt 6,13%; 9 tháng năm 2023 đạt 3,13%; ước cả năm 2023 đạt khoảng 5,0%).
"Đáng chú ý, hiện nay nguồn nguyên liệu trong nước đã đáp ứng được khoảng trên 70% cho ngành công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có diện tích rừng tăng cao nhất
Báo cáo của Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) cho thấy, diện tích rừng hiện có của cả nước là 14,79 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng hiện đạt 42,02%.
Theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO) về đánh giá tài nguyên rừng toàn cầu, trong khi diện tích rừng trên thế giới suy giảm mạnh, diện tích rừng trồng thấp, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có diện tích rừng tăng cao nhất, có diện tích rừng trồng lớn nhất thế giới.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT chia sẻ thêm, ngành lâm nghiệp đang triển khai một số chương trình, dự án với mục tiêu chung là phát huy chức năng phòng hộ của rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia.
Cùng với đó, ngành cũng chủ động tham gia và thực hiện các cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu như: Chương trình quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon và quản lý bền vững tài nguyên rừng đến năm 2030.
Đối với các giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị cho biết, ngành lâm nghiệp tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các chương trình, đề án trọng điểm để xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật đặc thù.
Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất, rừng được quy hoạch cho lâm nghiệp; đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các thành phần kinh tế và tổ chức xã hội vào các hoạt động lâm nghiệp, huy động tối đa các nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, ông Trị cũng đề cập tới khía cạnh ứng dụng KH-CN tiên tiến, hiện đại; phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng, phát triển bền vững ngành lâm nghiệp, đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó chủ động và hiệu quả với biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Cung cấp đa dạng các dịch vụ hệ sinh thái rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người dân nông thôn miền núi, dân tộc thiểu số; giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện thành công các mục tiêu quốc gia về phát triển bền vững...
Bình luận (0)