Tại đây, các khách mời đã chia sẻ ý kiến xoay quanh quá trình thực hiện phim ngắn, những thuận lợi, khó khăn cũng như thách thức cho người sáng tạo trẻ.
Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, một trong ba giám khảo của cuộc thi Vietnames 2024, để tạo nên được một tác phẩm hay gồm có 3 bước. Đầu tiên là người làm phim phải thật sự có nhu cầu kể chuyện, phải có cảm xúc về câu chuyện này.
Theo ông, cách chọn đề tài phải khơi gợi được cảm xúc cá nhân mà người sáng tạo dành cho câu chuyện và nhân vật. Đây là quá trình tiên quyết và rất quan trọng để trả lời câu hỏi có nên hay không thực hiện đề tài.
Bước thứ 2, là làm sao để truyền đạt được trọn vẹn câu chuyện nói trên, và cuối cùng là khơi gợi được sự đồng cảm ở nơi khán giả. Để làm được điều này, theo ông, những nhà làm phim cần phải tự học bởi kiến thức từ trường lớp là để tham khảo, không phải bất di bất dịch và có khả năng thay đổi theo từng thế hệ.
Giới thiệu cuộc thi làm phim ngắn VIETNAMESE | Báo Thanh Niên
Bằng kinh nghiệm của mình, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ những người làm phim thường mắc phải lỗi chủ quan, rằng mình nghĩ hay nhưng chưa chắc đã hay. Vì vậy người làm phim cần biết khảo sát ý kiến của người xung quanh, từ đó lắng nghe được những nhận định mang tính đa chiều.
Bổ sung cho ý kiến này, TS.Trần Bá Dung - Trưởng khoa Marketing - Truyền thông Trường ĐH Hoa Sen cho biết đề tài phim ngắn Vietnamese xoay quanh con người, đời sống thường ngày... vừa dễ nhưng cũng vừa khó. Cuộc sống cung cấp cho người làm phim rất nhiều đề tài, nhưng thách thức là phải làm sao để mang đến được nhãn quan riêng biệt.
Đứng trước thách thức về nguồn kinh phí, nhà sản xuất Hoàng Thanh Huyền (người đứng sau những bộ phim như Tiệc trăng máu, Siêu nhân X, Tết ở làng địa ngục, Đi về phía lửa…) cho biết với ê kíp còn khá khiêm tốn, thì dù còn nhiều khó khăn nhưng để có một tác phẩm thành công thì yếu tố chuyên nghiệp vẫn phải đảm bảo. Theo cô, ngoài đạo diễn, người phụ trách về hình ảnh, âm thanh, hóa trang… cũng nên được chú ý đặc biệt.
Không chỉ có những đòi hỏi về mặt chuyên môn, cô cho biết cách "giao tiếp mềm" giữa các thành viên cũng nên được chú trọng. Theo Hoàng Thanh Huyền, các nhà sáng tạo và thành viên đoàn phim hãy nên trao đổi với nhau thật sự thẳng thắn, càng rõ ràng thì sẽ càng tốt.
Bổ sung cho câu hỏi này, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng chia sẻ rằng người làm phim và các thành viên trong điều kiện kinh phí thấp nên làm sao để bản thân và cộng sự thấy đôi bên cùng có lợi, vì thế mà sự hợp tác sẽ được dễ dàng và thuận lợi hơn.
"Bật mí" về tiêu chí chấm giải cùng đạo diễn Lý Hải và nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nói rằng với anh, cảm xúc và góc nhìn đặc biệt là quan trọng nhất, vì phải có thích thì mới truyền được cảm xúc cho tác phẩm của mình.
Nói về Vietnamese, nhà sản xuất Hoàng Thanh Huyền cho rằng đây là cơ hội để cung cấp cho nền điện ảnh Việt Nam nguồn nhân lực có chất lượng, từ đó có thể nâng tầm điện ảnh trong cả khu vực và thế giới.
Với mong muốn tạo nên một sân chơi uy tín, chất lượng để kết nối các nhà làm phim trẻ, những nhà sáng tạo nội dung, biên kịch mới, phim ngắn Vietnamese là cuộc thi do Báo Thanh Niên hợp tác với SanDisk Việt Nam tổ chức thực hiện. Cuộc thi mong muốn tìm kiếm các tài năng điện ảnh trẻ và hỗ trợ giới thiệu các tác phẩm phim ngắn xuất sắc đến rộng rãi công chúng, tạo điều kiện để nuôi dưỡng niềm đam mê điện ảnh sáng tạo ở người trẻ.
Với tên gọi Vietnamese, các thí sinh (từ 15 - 40 tuổi, đang học tập, làm việc, sinh sống trên lãnh thổ VN) có thể khai thác tất cả các chủ đề được luật Điện ảnh cho phép, liên quan đến đất nước và con người VN; được sử dụng các tác phẩm do mình thực hiện (với vai trò đạo diễn hoặc biên kịch) trong vòng 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, thí sinh được tận dụng các phần mềm AI trong quá trình tạo ra tác phẩm.
Cùng với các giải thưởng dành cho phim ngắn và giải dành cho cá nhân có tổng giá trị lên đến gần 150 triệu đồng, tại cuộc thi này, ngay từ vòng sơ khảo, các phim ngắn đạt chất lượng sẽ được chọn đăng trên Báo Thanh Niên điện tử; sau đó, 20 phim ngắn vào vòng chung khảo sẽ được đăng tải trên các nền tảng số của Báo Thanh Niên, trong đó có kênh YouTube hơn 5,72 triệu người đăng ký.
Cuộc thi chính thức nhận tác phẩm tham gia từ ngày 22.5 đến hết ngày 22.6. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới tại rạp Mega GS (19 Cao Thắng, Q.3, TP.HCM).
Bình luận (0)