Làm sao để du khách quay trở lại?

27/12/2007 15:31 GMT+7

(TNO) Làn sóng du khách vào Việt Nam đang vào mùa cao điểm, đặc biệt du khách đường biển ngày càng tăng cao. Toàn bộ khách sạn 3 đến 5 sao đang “cháy phòng”, ít nhất đến giữa năm 2008. Tuy nhiên, hiện tượng du khách “một đi không trở lại” đang diễn ra!

Những thông tin buồn...

Ngày 17 và 18.12 vừa qua, du thuyền Seabourn Spirit cập cảng Cái Lân (Quảng Ninh) đưa du khách Mỹ và Đức thăm vịnh Hạ Long. Cảng có nhiều cầu, du thuyền được “ưu tiên” cập tại cầu 1. Tiếc thay, cầu này ngổn ngang sắt thép, sàn cảng đầy dầu loang, trên đầu là những cần cẩu treo lơ lửng! Do không thể “kêu” ai, nhân viên của Công ty Tân Hồng Travel phải tự xúc cát trải lên các vệt dầu, quét dọn cảng và chạy ra chợ Hòn Gai mua thảm đỏ về trải cho khách xuống tàu. Một số sĩ quan của du thuyền Seabourn Spirit rất ngạc nhiên về thực trạng này, họ hỏi Tân Hồng Travel: “Có phải du thuyền cập nhầm cầu cảng?”


Quầy lưu niệm đặt sát lối đi do sợ du khách bị dính dầu

Trước đó, ngày 16.12, cảng Phú Mỹ đón du thuyền Sapphire Prrincess có 2.865 khách đa quốc tịch và 1.500 thuyền viên. Có hơn 2.000 du khách đi bờ. Mọi chuyện trên bến cảng diễn ra êm thắm với nhiều gian hàng lưu niệm nhưng khi khách vào thăm TP Vũng Tàu đã có chuyện không vui. Diễn biến câu chuyện được sĩ quan an ninh của tàu phản ánh bằng văn bản và còn được thông báo qua hệ thống loa trên tàu cho du khách nêu cao cảnh giác!

Theo đó, lúc 11 giờ sáng 16.12, hai du khách John và Molly Lawrence theo xe bus đi tham quan TP Vũng Tàu. Đang xem bản đồ, họ bị một nhóm chèo kéo khoảng 12 người vây quanh, giật mất kính đeo mắt và đòi họ phải chuộc lại 40 USD! Cũng may, sau đó hai du khách lấy lại được cái kính rồi vọt vội lên xe bus, chờ trở lại tàu, do quá sợ. Chưa hết, Iris Liu, người hòa giải sự việc, bị nhóm côn đồ dọa đánh nếu chúng không nhận được tiền chuộc.


Nhân viên Tân Hồng Travel xúc cát lấp lên vết dầu trên cảng Cái Lân

Với giới lữ hành, loại thông tin như trên không là chuyện lạ. Lạ chăng là sự phối hợp không chặt chẽ của một số cơ quan chức năng, thậm chí có khi đã nhận “bồi dưỡng” nhưng chẳng giúp được gì nhiều cho họ và du khách.

Cảnh báo!

Loại hình du lịch đường biển ngày càng phát triển. Hầu hết du khách là người lớn tuổi, thu nhập cao, muốn chu du thế giới chuyến cuối đời. Tại các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có VN là nơi được du thuyền cập nhiều cảng nhất: Hạ Long, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn. Năm nay, vịnh Hạ Long lọt vào danh sách bình chọn kỳ quan thiên nhiên thế giới nên có thêm một số hãng du thuyền lừng danh tổ chức đưa khách đến VN.

Tuy nhiên, trên cả nước chưa có cảng nào có đủ tiêu chuẩn về cơ sở vật chất để đón du khách đường biển. Các cảng hiện nay chủ yếu là để phục vụ tàu vận chuyển hàng hóa được tận dụng để đón tàu khách. Thực tế lại xảy ra tình trạng có khi không có cầu cảng để tàu du khách vào cập bến và đành phải neo ngoài xa, chuyển tải hành khách vào bờ bằng thuyền cứu sinh của tàu hoặc giảm bớt hay hủy các chuyến tàu vào Việt Nam. Vì chuyển tải mất nhiều thời gian, khách sẽ không còn thời gian đi tham quan trên bờ. Cạnh đó, cơ sở vật chất các cảng hiện nay không đủ điều kiện, không đảm bảo vệ sinh, an toàn cho du khách, bụi bặm và mặt bằng cảng lồi lõm, không có nhà vệ sinh sạch sẽ, không có nhà chờ cho khách. Xe tải, xe hàng, cẩu, di chuyển cùng với khách trên sân cảng.


Du khách hài lòng với các quày hàng lưu niệm tại cảng Nha Trang

Mặc dù ban giám đốc các cảng rất nhiệt tình hỗ trợ nhưng do cảng phải hoạt động do tiến độ sản xuất của cảng nên du khách phải “sống chung” với sự thiếu an toàn. Tại một số điểm tham quan ở địa phương vẫn còn nạn những người bán rong, ăn xin lôi kéo du khách để xin tiền và ép khách mua đồ gây rất nhiều phiền phức cho du khách. Ngoài ra, các tài xế taxi, xe ôm tập trung các điểm tham quan và cổng cảng để giành giật khách, gây mất trật tự và an toàn cho khách mỗi khi có tàu khách du lịch vào.

Đặc biệt là vào những ngày nghỉ cuối tuần khi hầu như trên các đường phố vắng bóng các lực lượng an ninh, cảnh sát giao thông thì tình trạng này diễn biến càng phức tạp hơn. Ví dụ như tại Hạ Long có nhiều cò mồi giành giựt chào mời bán tour cho khách tại công viên gần chợ đêm, khiến khách có tâm trạng lo sợ khi đi tham quan tự do...

Làm gì để du khách trở lại?

Theo ông Lê Duy Hiệp, đại lý độc quyền hãng Star Cruises tại Việt Nam, hãng du thuyền lớn thứ 3 thế giới Cruises Star vẫn đang bán tour liên tục cho du thuyền Super Star Libra từ nay cho đến hết tháng 10.2008, trong đó có ít nhất 9 chuyến sẽ nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long, chưa kể một du thuyền khác dự kiến đến tháng 5.2008, sẽ định kỳ đưa khách đến vịnh Hạ Long, Nha Trang và TP HCM. Tương tự, Saigon Tourist đang khai thác tour liên tuyến du thuyền 5 sao Costa Allegra (Ý) bằng hải trình 6 ngày 5 đêm xuất phát từ Hong Kong sau thời gian chỉ đến vịnh Hạ Long, nay  nối tour đến Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM.

Không chỉ Saigon Tourist, một số đơn vị lữ hành quốc tế cũng đang tấp nập khai thác các tour du khách biển đến Việt Nam trú đông. Nếu công ty OSC (Oil Services Company) chuyên khai thác du thuyền Rhasopdy of The Seas đã xếp lịch từ 3.1 đến 30.3.2008  sẽ có 14 chuyến đưa du khách xuất phát từ Singapore, Hồng Kông, Thái Lan đến thăm Hải Phòng, Hà Nội, Nha Trang, Huế, Đà Nẵng, Vũng Tàu, TP.HCM thì Tân Hồng Travel cũng đang triển khai lịch đón du thuyền, đa phần khách Mỹ,  từ nay đến cuối năm 2008.

Trong câu hỏi đã có câu trả lời. Mới đây chúng tôi ghi nhận, từ 23 - 26.12, du thuyền Seabourn Spirit tiếp tục đưa khách đến Cái Lân, Đà Nẵng, Sài Gòn và ngày 25.12 du thuyền Sapphire Prrincess đến cảng Vũng Tàu, tình hình an ninh đã được cải thiện một phần. Tuy nhiên, do chất lượng phục vụ và dịch vụ đi bờ không cao, đa số du khách vẫn không chắc quay lại VN khi so sánh với Lào, Campuchia, Thái Lan.

Theo anh Lê Đình Tuấn, PGĐ Tân Hồng Travel, để nguồn du khách nói chung, khách đường biển nói riêng có thể quay lại VN, ngành du lịch cần triển khai học tập mô hình đón khách tại bến cảng Nha Trang. Một quả dừa ướp lạnh giá 2 đến 3USD vẫn không đủ bán. Những chiếc đồng hồ điện tử giá gốc 30.000đ được bán với giá “kỷ vật” gấp đôi. Vậy mà khách vẫn vui, nhất là khi được chụp hình lưu niệm với các cô bán hàng xinh xắn và thân thiện.

Một số bến cảng khác như cảng Đà Nẵng, rộng gấp đôi cảng Nha Trang nhưng không hiểu vì sao chưa triển khai được mô hình này ngoài một vài gian hàng khá đơn sơ? Ông Lê Đình Tuấn nhấn mạnh: “Vấn đề ở đây không là chỉ bán trái dừa, chiếc đồng hồ mà là công nghệ bán hàng. Qua đó, không chỉ bán được hàng với giá cao mà còn lưu lại những hình ảnh đẹp của đất và người VN trong lòng du khách. Có vậy, họ mới có thể quay lại VN”.

Bên cạnh chất lượng dịch vụ, vấn đề an ninh an toàn cho du khách cũng cần được quan tâm hơn. Theo chúng tôi, giải pháp tốt nhất là cần có lực lượng cảnh sát du lịch thay cho một vài lực lượng phối hợp có “bồi dưỡng” như lâu nay. Tại Siem Reap đã có lực lượng này, chúng tôi cũng như nhiều du khách nước ngoài khác từng được họ giúp đỡ tận tình.

Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.