Làm sao để giữ thực phẩm an toàn ngày hè?

08/07/2017 05:15 GMT+7

Ngày hè nóng ẩm là điều kiện lý tưởng cho vi sinh vật gây ô nhiễm thực phẩm phát triển. Chỉ sơ suất nhỏ trong chế biến và bảo quản có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Nhiều tác nhân tấn công
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế, ngộ độc thực phẩm có thể do nguyên nhân sinh học, hóa học và lý học, trong đó nguyên nhân sinh học mà cụ thể vi khuẩn gây bệnh là chủ yếu. Khi thời tiết chuyển sang mùa hè, trời oi nóng, người mệt mỏi, sức đề kháng giảm trong khi thức ăn dễ bị ôi thiu, biến chất là điều kiện rất lý tưởng cho vi sinh vật phát triển.

Việc bảo quản đúng để ngừa nhiễm chéo cần được thực hiện không chỉ bếp ăn tập thể mà ngay trong tủ lạnh của gia đình. Cục ATTP khuyến cáo: “Các loại rau sống có thể nhiễm khuẩn E.Coli từ đất trồng. Do đó, cần bảo quản riêng để tránh nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác”. Ngoài ra, chuyên gia về ATTP cũng khuyên người tiêu dùng nên bảo quản hoa quả và rau ở ngăn riêng, trữ theo cùng loại vì để chung rau với hoa quả cũng khiến chúng mau hư hỏng hơn. Nên rửa sạch, ráo nước các rau, củ quả trước khi cất vào tủ lạnh vì ẩm ướt có thể làm chúng dễ mốc và thối nhanh hơn.
An toàn thực phẩm ngày hè 1
Lựa chọn màng bọc thực phẩm
Màng bọc thực phẩm giúp giảm nhiễm chéo trong quá trình bảo quản nhưng cần chọn màng bọc an toàn, tránh thôi nhiễm các hóa chất. TS Lâm Quốc Hùng, công tác tại Cục ATTP lưu ý, các màng bọc được chế tạo từ các nguyên liệu nhựa tổng hợp với chất liệu phổ biến chủ yếu từ PVC (Polyvinyl chloride) và PE (Polyethylene). Do đặc tính hóa học của vật liệu PVC, khi chế tạo, các nhà sản xuất phải sử dụng phụ gia DEHA (Di-ethylhexyl adipate) hoặc DEHP (Di-ethylhexyl phthalate) để làm mềm và làm trong suốt màng bọc. Việc bổ sung những hóa chất này dẫn đến việc thôi nhiễm ra thực phẩm và gây ô nhiễm thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng (DEHA là chất cấm sử dụng trong sản xuất màng bọc thực phẩm). Việc thôi nhiễm DEHA, DEHP có nguy cơ gia tăng nếu ở môi trường a xít hoặc kiềm hoặc nhiệt độ cao, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm... Các chất DEHA, DEHP thôi nhiễm vào thực phẩm sẽ tác động đến hệ thống nội tiết làm phát triển sớm ở trẻ em gái và ảnh hưởng đến sinh sản ở trẻ trai.

tin liên quan

Cảnh báo sốc nhiệt do nắng nóng
Trước diễn biến nắng nóng “lịch sử”, các chuyên gia y tế đã cảnh báo về các nguy cơ đến sức khỏe mọi người, đặc biệt là trẻ em.

5 chìa khóa vàng để có thực phẩm an toàn
Giữ vệ sinh để ngăn ngừa thực phẩm bị ô nhiễm; bảo quản riêng biệt thực phẩm sống và thức ăn chín để tránh ô nhiễm chéo; nấu kỹ thức ăn để diệt hết các vi sinh vật; bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp để ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn; sử dụng nước sạch và thực phẩm tươi sống an toàn để tránh thức ăn bị ô nhiễm.
Nguồn: Cục An toàn thực phẩm
Còn đối với màng bọc làm từ vật liệu PE thì không cần dùng phụ gia do vật liệu đã có đặc tính mềm dẻo và trong suốt khi chế tạo, an toàn hơn cho sức khỏe.
Theo Cục ATTP, có thể phân biệt một số loại màng bọc thực phẩm. Trong đó, màng PVC có màu trắng ngà/hoặc vàng nhạt và ít dai khi kéo dãn; sờ có cảm giác dính tay, khó tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; khó cháy, chỉ cháy khi đốt trực tiếp bằng lửa và có mùi hắc.
Màng PE có màu trắng, trong suốt, dai khi kéo giãn; khi sờ và sản phẩm ít dính tay, dễ dàng tách các lớp màng bọc khi chúng tiếp xúc trực tiếp với nhau; dễ bị đốt cháy bằng lửa và cháy rất nhanh, không tắt và hầu như không tạo ra mùi khi cháy.
Theo TS Lâm Hùng, khi mua màng bọc thực phẩm lựa chọn đúng loại màng bọc được dùng cho bảo quản thực phẩm, sản phẩm đã được cơ quan chức năng đăng ký, chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên lựa chọn sản phẩm màng bọc thực phẩm được chế tạo từ vật liệu PE (Polyethylene) vì không có nguy cơ sử dụng hóa chất phụ gia (DEHA). Thực phẩm cần bảo quản phải được làm sạch, khô ráo trước khi sử dụng màng bọc trực tiếp bao phủ sản phẩm. Đối với thực phẩm có tính kiềm, hoặc a xít (dưa muối, sa lát trộn giấm...), thực phẩm nhiều dầu, mỡ không sử dụng màng bọc trực tiếp bao phủ sản phẩm. “Không sử dụng màng bọc ngay khi thức ăn còn nóng (trên 70 độ C); không rã đông, chế biến bằng lò vi sóng hoặc các phương pháp gia nhiệt khác (nướng, áp chảo, rán...) đối với thực phẩm được bao gói cùng với màng bọc thực phẩm”, TS Hùng lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.