Làm sao để không sợ học toán?

Hà Ánh
Hà Ánh
09/12/2018 17:40 GMT+7

Làm sao để không sợ toán là vấn đề được các chuyên gia toán học trong và ngoài nước mổ xẻ trong "Ngày hội toán học mở" lần đầu tiên diễn ra tại TP.HCM (Trường ĐH Sài Gòn) sáng 9.12.

Học toán để... hạnh phúc

Trước câu hỏi “Học toán để làm gì?”, các chuyên gia toán có cách lý giải khác nhau. GS-TSKH Hà Huy Khoái, nguyên Viện trưởng Viện toán học VN, cho rằng đây là câu hỏi giết chết sự học vì học vốn là một nhu cầu. “Nếu thời gian quay lại, tôi sẽ vẫn chọn học toán vì điều này làm cho tôi hạnh phúc.Toán học cho ta cách sống tận cùng sự đơn giản mà chính đơn giản mới làm ta hạnh phúc”, GS Khoái lý giải.
 
Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, người sáng lập ĐH trực tuyến FUBiX, thì nói: “Người học toán sẽ có lợi thế hơn người không học toán trong việc đàm phán, mặc cả. Không chỉ dân chuyên toán mà chỉ cần người giỏi toán chút thôi đã có được khả năng này”.
 
Nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn?
Trong khi đó, GS Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm về khoa học dữ liệu (Viện Nghiên cứu cao cấp về toán), khẳng định muốn làm cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì phải có nguồn nhân lực số. “Chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo chính là con đường phát triển. Dữ liệu lại chính là những con số, khối lượng công việc hiện nay liên quan đến toán rất lớn. Nếu vừa có khả năng dùng toán vừa biết công nghệ thông tin, tức có khả năng phân tích dữ liệu thì đó chính là công việc của tương lai”, GS Bảo phân tích.
 
GS Hồ Tú Bảo (giữa) chia sẻ trong tọa đàm - Ảnh Hà Ánh

Theo ông Bảo, hiện nay nhân lực về khoa học dữ liệu được đào tạo ở Việt Nam còn hạn chế (Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội chỉ 40 người, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM 50 người, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội 15 người). Trong khi Hàn Quốc có chiến lược để 5 năm tới có 5.000 người được đào tạo về lĩnh vực này. “Tham gia vào lĩnh vực này, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế so với những nước chưa đào tạo nhiều về toán lý hoá trong thời gian vừa qua”, ông Bảo nhận định.

 

Cũng theo GS Bảo, người thích học toán sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn vì hầu hết mọi công việc trong tương lai cần người có kiến thức về toán. Toán còn giúp con người phát triển tư duy, có tinh thần đổi mới sáng tạo. Trong quan sát của tôi, người có ham thích và rèn luyện về toán thường nhanh nhạy hơn".

Theo GS Nguyễn Hùng Sơn, Viện Tin học (khoa Toán-tin-cơ, ĐH Warsza, Ba Lan), trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu không chỉ trang bị kiến thức một ngành mà đa ngành. Muốn làm tốt công việc này phải có kiến thức tốt về tin học, toán học và thậm chí biết cả vật lý và hóa học.

"Toán học như một con bạch tuộc chạm vào mọi lĩnh vực cuộc sống, nếu học sinh có khả năng nên học toán vì đây sẽ là nền tàng của mọi môn khoa học khác”, GS Sơn chia sẻ.

Dạy toán đơn giản, kết hợp với thực tế

 

Tuy nhiên theo GS Hồ Tú Bảo, toán học với con người có nhiều mức độ khác nhau. Trong đó, có người thấy toán không khó nhưng nhiều người lại rất khó. Chúng ta lâu nay vẫn dạy toán cho người làm toán mà đúng ra cần dạy toán cho người dùng toán. Muốn vậy, giáo dục phổ thông cần dạy toán đơn giản hơn, kết hợp với thực tế. Khi đó thì dù trẻ có năng khiếu hay không về toán học cũng không cảm thấy sợ toán.

 

“Số người thực sự có tài năng học toán không nhiều nhưng số đông sẽ phải dùng được toán ,như người nông dân dùng được cái cày, cái bừa vậy. Nhưng muốn vậy, công cụ của toán học phải dễ dàng hơn, quan trọng là dạy để hiểu được nghĩa và hiểu được các công cụ của toán học”, GS Bảo gợi ý.

 

Ông Nguyễn Khắc Minh, Phó tổng biên tập thường trực Tạp chí Pi, đặt vấn đề, cần phải xóa bỏ trong đầu mỗi người câu hỏi học toán làm gì thì mọi người sẽ tìm đến việc học toán. GS Minh nói: “Gần đây việc học toán để làm gì đang rộ lên, nó là hệ quả của việc học để vượt qua kỳ thi. Với cách thi cử hiện nay, ai cũng thấy quá mệt mỏi khi học toán, làm những bài tập quá kinh khủng nhưng sau đó không nhìn thấy cụ thể những gì học toán có thể ứng dụng trong cuộc sống”.

 

Liên quan vấn đề này, theo GS Hà Huy Khoái, nhiều ý kiến nói chương trình trong SGK toán của VN quá nặng so với thế giới. Thực thế khi so sánh với SGK toán nhiều nước thì chương trình ta thua họ. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ bài tập quá nặng. Với cách học như hiện nay, học sinh chỉ biết về mẹo để giải toán nhanh chứ không hiểu sâu bản chất.

 
Từ đó, GS Khoái mong muốn sẽ có nhiều phương pháp học toán tiếp cận dễ dàng hơn và khiến học sinh ham thích học toán hơn. Ví dụ, viết sách đơn giản thì các định lý tự nhiên thì không cần chứng minh nữa.
 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.