Tại buổi thảo luận về an toàn nợ, đại diện của Pakistan (quốc gia thường được nhắc đến khi nói về việc vướng “bẫy nợ” của Trung Quốc với sáng kiến “Vành đai và Con đường”), ông Ishrat Husain - Bộ trưởng, Cố vấn Thủ tướng về cải cách thể chế, cho biết đúng là nước này đang gặp vấn đề về nợ công, khi tỷ lệ trên GDP đã vượt lên 72% so với quy định là 60%, nhưng phần lớn là nợ trong nước.
Nợ công cao gây khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội Pakistan khi 30% thu ngân sách phải dùng cho việc trả nợ, nên các khoản đầu tư phát triển, đầu tư cho hạ tầng phải cắt giảm.
Tuy nhiên, trong tổng số nợ nước ngoài của Pakistan, chỉ có 11,5% là nợ Trung Quốc, theo ông Husain, qua đó gián tiếp phủ nhận việc nước này vướng "bẫy nợ" của Trung Quốc.
Về “Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC)” nằm trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (nguồn cơn của thứ được cho là "bẫy nợ" với Pakistan), ông Husain biết cả gói cam kết là 45 tỉ USD trong vòng 15 năm, 35 tỉ USD trong đó là đầu tư cho các dự án năng lượng vì Pakistan thiếu năng lượng nghiêm trọng trong giai đoạn 2010 - 2015, ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu và tăng trưởng.
|
“Chính phủ Pakistan đã có những chính sách thu hút các nhà đầu tư vào năng lượng và các nhà đầu tư Trung Quốc đã tham gia mà không có thêm bất cứu ưu đãi nào. Đây cũng là các khoản vay thương mại do các doanh nghiệpTrung Quốc vay của Eximbank Trung Quốc và AIIB để đầu tư, không phải nợ của Chính phủ Pakistan. Chỉ có 6 tỉ USD trong số này là Chính phủ Pakistan vay Chính phủ Trung Quốc với lãi suất ưu đãi 2%, 5 năm ân hạn và 20 năm trả nợ. Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng viện trợ cho Pakistan để xây sân bay quốc tế, chương trình cấp nước, đường sá”, theo ông Husain.
Tuy nhiên, ông Husain không phủ nhận việc đã phải đàm phán lại với Trung Quốc một số dự án trong khuôn khổ hợp tác này.
“Sau khi vượt qua khủng hoảng năng lượng nhờ CPEC, chúng tôi đang đàm phán lại một số dự án hợp tác công nghiệp và nông nghiệp. Chúng tôi thành lập khu kinh tế đặc biệt, nơi không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mà chào đón tất cả các nhà đầu tư, dù nó nằm trong khuôn khổ CPEC”, ông Husain nói và cho rằng các cam kết với Trung Quốc cũng không phải là “khắc trên đá” (không thể thay đổi). Khi yêu cầu của Chính phủ Pakistan thay đổi, nước này đã đàm phán lại với Trung Quốc và được phía Trung Quốc “rất thấu hiểu và hợp tác”.
|
Bày tỏ quan điểm về vấn đề Pakistan, ông Mitsuhiro Furusawa, Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết ông thấy “nhẹ người” khi nghe thông tin từ Chính phủ Pakistan.
Theo ông Furusawa, không có vấn đề gì từ các sáng kiến tăng kết nối và hạ tầng, vấn đề quan trọng là phải lựa chọn được các dự án có tiêu chuẩn cao, nâng cao năng lực quản lý và đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân, trong đó ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc minh bạch.
Tương tự, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng “Vành đai và Con đường” không phải là một sáng kiến mới, nó là một sáng kiến “rất tự nhiên” để tăng cường kết nối khu vực Đông Á, Trung Á với châu Âu và cả châu Phi. Đó là con đường giao thương đã hình thành từ đời Hán, đời Tần, rất lâu trước khi người châu Âu đặt chân đến châu Á, đó đã là một con đường buôn bán tấp nập bởi những người Trung Á, Ấn Độ...
Không phủ nhận dưới sáng kiến này, nhiều quốc gia có thể có thêm đầu tư, thêm dự án kết nối, nhưng ông Nakao cảnh báo cần phải hết sức thận trong để tìm được các dự án tốt với kết quả tích cực.
“Dù các khoản vay là dành cho Chính phủ thì các dự án phải có hiệu quả kinh tế, nếu không các bạn sẽ gặp rắc rối trong việc trả nợ. Cùng với đó cũng phải để ý tới ảnh hưởng xã hội và môi trường của dự án. Tăng cường các dự án kết nối là cần thiết và tốt cho việc phát triển nhưng một lần nữa, cũng có rất nhiều tranh luận về vấn đề vay nợ. Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc cũng để ý đến vấn đề này như Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói tại Diễn đàn Vành đai và Con đường vừa diễn ra vài ngày trước đây”, ông Nakao nói.
Bình luận (0)