Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) đã có những hướng dẫn chi tiết để người yêu thiên văn Việt Nam có thể quan sát được dải ngân hà - thiên hà thuộc hệ mặt trời.
1. Chọn thời điểm thích hợp
Không gì tốt hơn là đúng thời điểm. Thời gian quan sát ngân hà tốt nhất là vào đầu hè đến cuối thu (từ tháng 5 đến tháng 9) vì khi đó ban đêm của trái đất hướng về trung tâm ngân hà.
Lý tưởng nhất là tháng 7 và tháng 8 khi thời gian ngân hà mọc sau hoàng hôn và lặn trước bình minh (thời gian hiện diện trên bầu trời đêm là nhiều nhất). Đương nhiên, tránh quan sát vào ngày có trăng vì ánh trăng sáng sẽ làm lu mờ các vì sao, sao băng và ngân hà. Tốt nhất bạn nên quan sát vào đầu hoặc cuối tháng âm lịch.
2. Tránh nơi có ánh đèn thành phố
Hãy chọn một nơi thoáng đãng, không ô nhiễm ánh sáng hay không khí. Vùng ngoại ô, miền núi, biển là những không gian lý tưởng. Tuyệt đối tránh những nơi có ánh đèn thành phố.
3. Trang bị kiến thức về bầu trời đêm
Nếu ngắm nhìn mãi thì cũng hơi nhàm chán nhỉ? Sẽ thật tuyệt vời nếu bạn biết mình đang quan sát gì. Ví dụ nếu may mắn thấy ngân hà, chắc chắn bạn sẽ thấy chòm sao Bọ Cạp với chiếc đuôi cong ở ngay trung tâm hay mảng sao Tam Giác mùa hè có sao Ngưu Lang - Chức Nữ bị chia cách bởi ngân hà…
Các chòm sao cũng là công cụ để người quan sát có thể tìm ngân hà nữa. Sẽ tuyệt vời hơn nếu có người nghe bạn thủ thỉ về câu chuyện bầu trời đó!
4. Ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp
Chắc hẳn bạn sẽ muốn lưu giữ hình ảnh lấp lánh của bầu trời đêm. Để chụp lại được bầu trời và các vì sao, hãy chuẩn bị một chiếc máy ảnh hoặc điện thoại có chức năng phơi sáng, thời gian phơi sáng càng lâu, bạn càng ghi lại được nhiều vật thể trên bầu trời.
Bình luận (0)