Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu Đại học Rutgers và Đại học Aalto ở Phần Lan, bộ não của bạn thích nghi để nhớ mật khẩu bằng cách ước tính tần suất bạn sẽ phải sử dụng nó. Những mật khẩu quan trọng, được sử dụng thường xuyên sẽ ít bị lãng quên.
Janne Lindqvist, đồng tác giả nghiên cứu và trợ lý giáo sư Khoa Kỹ thuật Điện và Máy tính, giải thích trên Elitedaily: "Mật khẩu càng quan trọng đối với người dùng và càng có khả năng được sử dụng trong tương lai, cơ hội nhớ lại nó càng cao".
Nói cách khác, nếu bạn tạo mật khẩu để dùng thử miễn phí chương trình gì đó, bạn chắc chắn sẽ quên trước khi tuần đó kết thúc. Bộ não của bạn có thể sẽ không nỗ lực lưu trữ mật khẩu ấy để sử dụng trong tương lai. Còn nếu bạn vừa thay đổi mật khẩu đăng nhập vào máy tính, tâm trí của bạn nhận ra tầm quan trọng của mật khẩu này và nhiều khả năng sẽ nhớ lại sau đó.
Thực tế là các trang web sẽ thông báo cho người dùng ngay nếu mật khẩu yếu hay mạnh, nhưng họ không làm gì được để giúp mọi người nhớ mật khẩu. Chúng ta phải tự làm điều đó.
PCMag đưa ra phương pháp để tạo mật khẩu siêu an toàn nhưng vẫn nhớ đến mãi sau. Đó là căn cứ vào thứ gì đó trữ tình kiểu một trích dẫn chẳng hạn. Ví dụ, bạn tâm đắc câu của Hamlet: “Sống hay không sống: đó là vấn đề”, có thể viết rút gọn thành các chữ cái đầu tiên của mỗi từ, giữ nguyên dấu câu và kết thúc bằng tên nhân vật nói nó - “shks:dlvd.HL”. Kiểu này thì khổ chủ muốn quên cũng khó, còn tin tặc le lưỡi chào thua.
Hoặc bạn có thể theo lời khuyên chuyên gia trên Daily Mail để nhớ mọi thứ, không chỉ mật khẩu.
1.Nói bất cứ điều gì bạn đang cố gắng học, chẳng hạn như mật khẩu, thành tiếng.
2.Tự kiểm tra: 15 phút sau khi bạn nhớ mật khẩu, ghi lại hoặc nói lại. Vài giờ sau lặp lại. Rồi sáng hôm sau lặp lại.
3.Giấc ngủ rất cần thiết cho việc củng cố trí nhớ nói chung, vì vậy hãy đảm bảo bạn nghỉ ngơi đầy đủ, đặc biệt nếu bạn đang cố gắng học một cái gì đó.
4.Đi bộ hoặc chạy mỗi ngày. Tập thể dục là tuyệt vời để củng cố những điều cần nhớ.
5: Nếu bạn đang cố gắng ghi nhớ một cái gì đó khá sâu sắc, chẳng hạn như một bài phát biểu, hãy tạo flashcards viết ra các định nghĩa, trích dẫn và công thức chính. Sử dụng chúng như lời nhắc để kiểm tra chính mình.
6: Tạo sơ đồ tư duy như một cách thể hiện thông tin một cách trực quan.
Bình luận (0)