Làm sao để tránh những căn bệnh ngoài da dễ lây khi sống tập thể?

14/09/2023 08:30 GMT+7

Môi trường sống tập thể ở ký túc xá, phòng trọ đông người… luôn là điều kiện thuận lợi để các căn bệnh ngoài da dễ lây như nấm da, ghẻ, thủy đậu, herpes, mụn cóc… phát triển. Vậy làm thế nào phòng ngừa những loại bệnh này để có được chất lượng cuộc sống tốt hơn?

Chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng vì bệnh ngoài da

Đang sống trong ký túc xá tại Q.11, TP.HCM, Nguyễn Gia Hân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, từng phải trải qua cảm giác khó chịu vì bị bệnh ngoài da. Nữ sinh cho biết biểu hiện ban đầu là xuất hiện 2 mảng cứng bằng hạt đậu dưới bàn chân, khi mang giày vào cảm thấy đau. Sau khi thăm khám bác sĩ, Gia Hân được cho biết bị mụn cóc.

“Sau khi chia sẻ với các thành viên khác trong ký túc xá thì mình phát hiện trước đó một bạn cùng phòng cũng từng bị mụn cóc. Có lẽ vi khuẩn đã xâm nhập vào vết nứt dưới bàn chân của mình. Theo lời khuyên từ bác sĩ thì thời gian đó phải mang dép trong phòng, vệ sinh sàn nhà bằng dung dịch chuyên dụng thường xuyên. Việc mở cửa sổ cho ánh sáng vào phòng cũng là một biện pháp tốt để hạn chế việc bị bệnh ngoài da”, Hân chia sẻ.

Làm sao để tránh những căn bệnh ngoài da dễ lây khi sống tập thể? - Ảnh 1.

Nên thường xuyên vệ sinh môi trường sống, mở cửa cho ánh sáng tự nhiên vào phòng để tránh những căn bệnh ngoài da khi sống tập thể

KIM NGỌC NGHIÊN

Sau 2 tháng vào sống tại một ký túc xá tư nhân trên đường Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, Phan Thị Trúc Ly, sinh viên Trường CĐ Lý Tự Trọng (TP.HCM), cũng gặp phải tình trạng nấm ở kẽ chân gây ngứa ngáy, khó chịu. Ly cho biết trước đó một vài thành viên khác trong phòng cũng gặp trường hợp tương tự.

“Chúng mình có 6 người sử dụng chung 1 nhà tắm, lại không mang dép trong phòng nên lây nấm cho nhau. Mình phải đi bác sĩ da liễu uống và bôi thuốc trong suốt 1 tuần mới hết. Bản thân rút ra được một kinh nghiệm là phải thường xuyên giặt tấm thảm lau chân trước nhà tắm và không để nó ẩm ướt ”, Ly nói.

Từng trải qua cảm giác da ở phần mông bị nhiễm nấm khi sống tại ký túc xá, Hồ Thanh Giang (26 tuổi), làm việc tại đường 23, P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết: “Với kinh nghiệm của mình thì các bạn nữ nên kỹ càng trong việc dùng chung bồn cầu vệ sinh với người khác. Phải thường xuyên sát khuẩn, nhất là phần nắp nhựa bộ phận tiếp xúc trực tiếp với da. Các thành viên ở trong phòng cố gắng thành thật chia sẻ với nhau nếu có lỡ bị bệnh ngoài da  để có các biện pháp bảo vệ, phòng ngừa".

Không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ, khó chịu

Bác sĩ Phạm Cẩm Thúy, chủ phòng khám thẩm mỹ da Em Mây (Q.5, TP.HCM), cho biết có rất nhiều loại bệnh da liễu dễ lây nhiễm, đặc biệt khi sống trong môi trường tập thể. Các loại này rất đa dạng và biểu hiện dưới nhiều hình thái khác nhau như: chốc, nấm da, ghẻ, thủy đậu, herpes, mụn cóc, u mềm lây…

Làm sao để tránh những căn bệnh ngoài da dễ lây khi sống tập thể? - Ảnh 2.

Một số căn bệnh ngoài da dễ lây thường gặp

BÁC SĨ CẨM THÚY CUNG CẤP

“Nguyên nhân đầu tiên là do không vệ sinh môi trường sống tập thể tạo điều kiện cho vi khuẩn và vi nấm phát triển. Kế đến là có một thành viên trong phòng mắc bệnh qua quá trình sinh hoạt khiến vi khuẩn bám vào mền, gối… Ngoài ra, việc sử dụng chung khăn tắm, quần áo, tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết, giọt bắn từ người bệnh, thú nuôi bị nhiễm cũng là nguyên nhân lây lan”, bác sĩ Thúy nói.

Làm sao để tránh những căn bệnh ngoài da dễ lây khi sống tập thể? - Ảnh 3.

Hiện tượng nhiễm nấm da do dùng chung đồ sinh hoạt hằng ngày

BÁC SĨ CẨM THÚY CUNG CẤP

Theo bác sĩ Thúy, các bệnh lý lây nhiễm ngoài da không chỉ ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ mà còn gây những phản ứng viêm, ngứa… ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống, gây mặc cảm, tự ti cho người bệnh. “Tuy không gây hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe nhưng nếu chúng ta chưa nhận biết dấu hiệu bệnh sớm và điều trị kịp thời thì có thể gây những biến chứng như nhiễm trùng, chàm hoá, ảnh hưởng đến cơ quan khác... Thậm chí có thể gây thành dịch như thủy đậu, ghẻ…”, bác sĩ cho biết.

Làm sao để tránh những căn bệnh ngoài da dễ lây khi sống tập thể? - Ảnh 4.

Bàn tay của một người đang bị ghẻ

BÁC SĨ CẨM THÚY CUNG CẤP

Bác sĩ Thúy khuyên mỗi người cần giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống xung quanh. Không dùng chung các vật dụng như quần áo, khăn tắm… thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Khi phát hiện điều bất thường ngoài da cần đến các cơ sở y tế hoặc phòng khám chuyên khoa để được thăm khám, điều trị kịp thời. Tránh tự ý mua thuốc vì sẽ làm bệnh nặng hơn và gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị.

“Chúng ta có thể tự tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống và sinh hoạt điều độ. Cụ thể là tập thể dục, uống nhiều nước, bổ sung các loại thực phẩm nhiều vitamin và khoáng chất như trái cây họ cam quýt, ớt chuông đỏ, bông cải xanh, gừng, tỏi, các loại hạt ngũ cốc… Ngoài ra, tiêm phòng vắc xin cũng là cách để bảo vệ bản thân an toàn và hiệu quả với một số bệnh như thủy đậu, mụn cóc sinh dục do HPV…”, bác sĩ Thúy nhắn nhủ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.