Khi biết được nguyên nhân gây nứt môi thì có thể giảm thiểu, thậm chí ngăn chặn nứt môi bằng cách điều chỉnh một số thói quen, theo MSN.
Phần lớn mọi người đều nghĩ nứt môi là do môi bị khô quá mức. Trên cơ thể chúng ta, da môi là một trong những vùng nhạy cảm và tiếp xúc nhiều nhất với môi trường xung quanh, bác sĩ da liễu Joshua Zeichner tại Bệnh viện Mount Sinai (Mỹ) giải thích.
Vì không có các tuyến tiết chất nhờn như da bình thường mà lại dễ bị tác động của nắng, thời tiết lạnh và son nên môi rất dễ bị khô. Hệ quả của tình trạng này là kích ứng, viêm và bong tróc môi, bác sĩ Zeichner nói thêm.
Mùa đông thường kèm theo thời tiết lạnh và khô. Do đó, môi cũng dễ bị nứt nẻ hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào thời tiết cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Dị ứng với một số sản phẩm làm đẹp cũng có thể khiến môi bị kích ứng, gây viêm môi tiếp xúc. Nguyên nhân thường là do dị ứng với các loại sắc tố có trong son, nước hoa hoặc các chất tạo hương vị trong thực phẩm.
Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể đến từ các sản phẩm chăm sóc da hằng ngày. Chẳng hạn, nhiều người hay để dính một ít kem trị mụn lên môi. Các loại kem này được bào chế đễ tẩy tế bào chết trên da. Khi dính vào môi, chúng có thể gây khô và nứt nẻ, các chuyên gia cảnh báo, theo MSN.
Một nguyên nhân khác ít phổ biến hơn là môi nứt nẻ do tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời, thường xảy ra ở người trưởng thành. Điều không may là các tổn thương ở môi này có thể là dấu hiệu của tiền ung thư da. Khi đó, người bệnh cần phải tìm đến bác sĩ để được điều trị phù hợp.
Với phần lớn các trường hợp bị nứt nẻ, môi có thể tự phục hồi. Trong những trường hợp nghiêm trọng, người mắc phải thường xuyên giữ ẩm môi bằng son dưỡng ẩm hoặc sáp ong.
Một điều không thể thiếu khác là phải uống đủ nước, tránh để cơ thể rơi vào trạng thái mất nước. Nếu có thể, hãy bật máy tạo độ ẩm trong nhà khi ngủ vào ban đêm, theo MSN.
Bình luận (0)