Cuộc đời tuy đúng là có nhiều cái khổ nhưng rõ ràng là không việc gì phải sớm “dứt áo” ra đi. Điều đáng mừng, theo nhận xét của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuổi thọ của con người trên khắp năm châu đều ít nhiều đã được cải thiện, ngay cả ở các nước còn nghèo đói hay đang lâm cảnh chiến tranh.
Huy chương nào cũng có hai mặt. Cũng vì con người ngày càng cầm cự lâu hơn nên thầy thuốc có đủ thời giờ phát hiện nhiều bệnh chứng gắn liền với tuổi già như cao huyết áp, đái tháo đường, ung thư… Rồi cũng vì sống thọ hơn nên chúng ta dễbệnh hơn trong môi trường càng lúc càng ô nhiễm, vì siêu vi, vi khuẩn, nấm mốc càng lúc càng tinh vi trong việc gây bệnh. Kết quả là dân số trên địa cầu tuy tăng nhưng đồng thời tỉ lệ thuận với số người mắc bệnh.
Đoạn đường sinh - lão kéo dài hơn lúc trước nên lượng bệnh nhân cũng tăng. Hậu quả là số tử vong nói chung vẫn không giảm do đầu vào và đầu ra vẫn ở thế tương đồng, mặc cho ngành y tự hào về tiến bộ trong kỹ thuật chẩn đoán và phương tiện điều trị.
Ấy thế mà lại có một nhóm nam giới (nhiều hơn nữ) giảm tuổi thọ mới lạ làm sao? Nghịch lý hơn nữa là số đối tượng này thường khi không thiếu thốn đến độ suy dinh dưỡng hay không đủ khả năng tìm thầy chạy thuốc vì túi tiền eo hẹp. Một số không ít trong số họ thậm chí dư ăn dư mặc. Đó là số “bệnh nhân tiềm năng” vì cùng lúc hội đủ 3 “đặc tính” khi bước vào tuổi ngũ tuần. Đó là: hút thuốc lá trên 20 điếu/ngày; cao huyết áp nhưng tránh né thầy thuốc hay nếu điều trị thì theo kiểu xuân thu nhị kỳ; tăng mỡ trong máu, cụ thể là triglyceride, chất gây xơ vữa và tắc mạch máu nhưng không được theo dõi định kỳ cũng như không điều trị đúng bài bản.
Theo kết quả của một công trình vừa được nghiên cứu mang tên Whitehall ở Mỹ, những người thuộc nhóm nêu trên chắc chắn sẽ giảm thọ, thay vì có thể ung dung đi thêm một thập niên như chơi. Số năm giảm thọ thậm chí gia tăng tùy theo số điếu thuốc và thời gian đã hút thuốc trước khi về già; tình trạng béo phì sau tuổi trung niên vì càng mập càng mau bước ra ngoài vòng thế tục; bệnh đái tháo đường nhanh chân đồng hành mức độ nào trước ngày về hưu; đã bị nhồi máu cơ tim nhưng sau đó vẫn chứng nào tật nấy thay vì nghe lời thầy thuốc.
Không thiếu người vì không thể bỏ thuốc lá, không chịu đến thầy thuốc nên sẵn sàng biện luận theo kiểu thây kệ, sống đến 75 tuổi cũng được rồi. Hoàn toàn đồng ý vì sống ra sao, chết thế nào là chuyện của mỗi người. Chỉ xin đừng quên là đoạn cuối của “ngày ấy” thường không chấm dứt cái một cho khỏe thân mà hay kéo dài, may thì vài ngày trên giường bệnh cấp cứu, khổ hơn nữa là nhiều tháng, nhiều năm trên xe lăn. Đời khi đó mới đích thực là bể khổ!
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)