Nhiều vụ việc làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19 xảy ra ở một số tỉnh thành gây bức xúc dư luận. Chuyên gia pháp luật cho rằng, hành vi làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19 hoặc sử dụng giấy xét nghiệm Covid-19 giả đều có thể bị xử lý hình sự.
Nguyễn Văn Công (Hải Dương) cùng máy móc dùng để in giấy xét nghiệm Covid-19 giả |
công an cung cấp |
Các luật sư (LS) cho rằng cần xử phạt nghiêm minh những đối tượng mua, bán và sử dụng giấy xét nghiệm giả Covid-19. Trong bối cảnh cả nước đang căng mình chống dịch, các địa phương đang phải kiểm soát chặt chẽ từng trường hợp tại các chốt kiểm soát, nếu có người được đi qua các chốt kiểm soát bằng giấy giả xét nghiệm Covid-19 với kết quả âm tính nhưng thực tế họ đang dương tính thì hậu quả khôn lường.
Điển hình vụ việc mới nhất xảy ra ngày 10.10, Công an TP.Phan Thiết bắt tạm giam Trần Xuân Đạt (34 tuổi), Diệp Từ Hiếu (44 tuổi), Phùng Thành Tài (28 tuổi, cùng ngụ TP.Phan Thiết), Nguyễn Minh Tiến (ngụ H.Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) vì liên quan đến việc làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19.
Theo đó, khám xét nơi ở của các nghi phạm, công an thu giữ 15 giấy kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 làm giả các đơn vị y tế như Bệnh viện Tâm An (12 giấy), Bệnh viện Tâm Phúc (2 giấy), Trung tâm y tế Phan Thiết (1 giấy). Công an cũng thu giữ 1 máy vi tính chứa nhiều file có sẵn các giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm giả mang tên các cơ sở y tế trên.
Theo khai nhận của các bị can, lợi dụng việc phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 mới qua được các chốt kiểm dịch tại TP.Phan Thiết, nhóm này đã làm khoảng 100 tờ giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 để bán với giá 70.000 đồng/giấy.
Trước đó, ngày 16.8, Công an tỉnh Hải Dương phát hiện Nguyễn Văn Công (29 tuổi, ngụ tỉnh Hải Dương) có hành vi bán phiếu trả lời kết quả xét nghiệm Covid-19 giả của Trung tâm chẩn đoán thú y Trung ương (TP.Hà Nội) với giá 200.000 đồng ngay tại quán photocopy do Công làm chủ.
Trả lời PV Thanh Niên, luật sư Hoàng Tư Lượng (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho biết, làm giả kết quả xét nghiệm Covid-19, tùy vào tính chất, mức độ, hậu quả mà hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Cụ thể, về xử phạt hành chính, đây là hành vi “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ, sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
LS Lượng phân tích, những cá nhân cố ý thực hiện hành vi mua bán giấy xét nghiệm giả dẫn tới hậu quả làm lây lan dịch bệnh Covid-19 cho người khác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh Covid-19 theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, mức xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.
Cơ sở khám bệnh cấp giấy xét nghiệm giả cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo LS Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Luật sư TP.HCM), trong trường hợp mua nhiều giấy xét nghiệm và gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo Điều 341 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Đối với các cá nhân làm việc trong cơ sở khám bệnh có chức năng xét nghiệm Covid-19 mà thực hiện hành vi gian dối giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn; làm, cấp giấy xét nghiệm giả cho các cá nhân khác, LS Trang cho rằng có thể bị xử lý kỷ luật tại đơn vị hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giả mạo trong công tác theo Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tùy theo số lượng giấy tờ làm giả, có thể phạt tù lên tới 20 năm.
Trong trường hợp cấp giấy xác nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 dẫn đến lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, LS Lượng khẳng định: "Người làm giả giấy tờ có thể bị truy cứu về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo điều 240 Bộ luật Hình sự, người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất là 12 năm tù; bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm".
Bình luận (0)