Làm thay chính quyền

24/04/2015 06:52 GMT+7

Mới đây, tại một ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Hà Tây, H.Chư Păh (Gia Lai) xảy ra chuyện lạ đời: Dân làng vây bắt lâm tặc trong khi lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương thì không hay biết gì!

Mới đây, tại một ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số thuộc xã Hà Tây, H.Chư Păh (Gia Lai) xảy ra chuyện lạ đời: Dân làng vây bắt lâm tặc trong khi lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương thì không hay biết gì!

Nói “lạ” là bởi, để triệt hạ được 50 cây sao xanh, có những cây đường kính đến 1,5 m và muốn vận chuyển số gỗ ấy ra khỏi rừng, lâm tặc phải mở đường cho xe ô tô vào được, hẳn những tiếng ầm ào từ các loại xe ủi và máy cưa cây không thể “giảm âm” đến mức... không nghe thấy gì. Chỉ đến khi người dân “bắt được tay, day được mặt” những kẻ phá rừng thì ngành chức năng mới “à” lên rằng, rừng bị phá tan hoang là có thật. Nhưng lạ hơn cả là, thay vì nhận trách nhiệm về sự tắc trách của mình, ông Nguyễn Ngọc Cư, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chư Păh, lại “sang số” rất nhanh: “Trách nhiệm đó (tức để lâm tặc phá rừng) trước hết thuộc về chủ rừng (tức người dân được giao khoán chăm sóc, bảo vệ rừng) (!)”. Lập luận kiểu này, mai mốt đây, mất con chồn con cheo trong cánh rừng ấy, người dân cũng phải chịu trách nhiệm sao? Người dân có quyền đặt câu hỏi: Vậy nhiệm vụ của kiểm lâm là làm gì đây?
Nếu như ở Chư Păh tỉnh Gia Lai, chính quyền và kiểm lâm “không hay” chuyện phá rừng thì ở thôn Phú Mậu, xã Hương Phú, H.Nam Đông (Thừa Thiên-Huế), lãnh đạo xã cũng hoàn toàn không biết việc có một nhóm người, trong đó có 14 người Trung Quốc, cho xe mở đường để vào vùng này khai thác “đá lạ”. Cả một khu đồi bị xới tung lên, hàng chục tấn đá đã được chuyển dời đi nơi khác, đến khi người dân phát hiện và ngăn chặn, báo với chính quyền thì lãnh đạo xã Hương Phú mới hay.
Chuyện khai thác cát trộm, đào đá quý, đãi vàng, chặt cây... tất cả đều diễn ra công khai ở nhiều nơi trên khắp cả nước, nhưng ở những nơi đó chính quyền hầu như bỏ mặc. Vì lãnh đạo “không biết” nên người dân đã làm thay công việc của chính quyền cơ sở. Họ đã “tự xử” nhiều vụ việc dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Điều đáng nói ở đây là, bộ máy lãnh đạo chính quyền cơ sở hiện nay ở nhiều nơi là vô cùng đông đảo. Có những địa phương như xã Quảng Vinh, H.Quảng Xương (Thanh Hóa) chỉ vỏn vẹn 2.000 hộ dân mà có đến 500 cán bộ. Hằng năm, ngân sách phải chi một khoản tiền không hề nhỏ để nuôi đội quân này.
Dân bầu ra chính quyền là để thay mặt họ theo dõi và xử lý các vụ việc nổi cộm trên địa bàn mình quản lý. Người dân chỉ đóng vai trò giám sát, chứ không thể làm thay chức năng của nhà quản lý. Việc phó mặc cho dân tự xử các vụ việc, nó vừa thể hiện sự tắc trách của người lãnh đạo, vừa “lộ sáng” những khoảng tối yếu kém của chính quyền cơ sở cần phải được mổ xẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.