Hơn 300 nhà quản lý và giảng viên, sinh viên, nhà nghiên cứu, tác giả, đạo diễn, báo chí đã đến dự trong sự sôi nổi bất ngờ. Chiếc micro không kịp chuyền tay vì quá nhiều ý kiến muốn bày tỏ…
Thực sự cải lương là một tình yêu thầm lặng trong tim mỗi người, cho nên khi nó tròn 100 tuổi người ta giật mình nhìn lại và hối hả đi tìm câu trả lời cho sự tồn vong của nó. 100 năm tuổi đủ nhiều để tự hào, nhưng cũng đủ lo trước những chữ già nua, lạc hậu. Vì thế cần phải ngồi lại với nhau tìm những lối ra cho cải lương. Tọa đàm lần này, và sẽ còn những lần sau nữa, cũng xoay quanh vấn đề đó.
Cải lương rất quý báu, không ai có thể phủ nhận. Nói theo tiến sĩ Lê Hồng Phước, “cải lương là bản sắc của dân tộc, không có bản sắc thì dân tộc bị xóa mờ. Khi ra nước ngoài sống, người ta mới thấy rõ tầm quan trọng của bản sắc này, và mới thèm nghe cải lương vô cùng, mới trân trọng cải lương nhiều hơn”. Đúng là phải có sự gián cách như vậy người ta mới nhận ra cải lương quý giá biết chừng nào. Còn bây giở, ở tại xứ sở mà nó sinh ra và lớn lên, hình như người ta chưa đầu tư đúng mức để giữ cho nó mạnh khỏe và phát triển.
|
Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, một nhà nghiên cứu và nhà giáo nổi tiếng đã gắn bó với cải lương từ thuở nhỏ vì cha của bà là tác giả kịch bản Thế Hữu, cho rằng giải pháp quan trọng nhất bây giờ là quản lý, sau đó mới đến nghệ sĩ và công chúng. Cần chính sách thông thoáng, cần những nhà quản lý có tâm, có tiền, có tài để đầu tư cho cải lương. Nhà báo Nguyễn Chương thêm vào khâu quản lý này là phải bảo vệ được bản quyền cho người sản xuất, nghĩa là chú ý đến luật pháp, nếu không chẳng ai dám bỏ bạc tỉ ra đầu tư để rồi bị lỗ vốn vì chỉ một tiếng đồng hồ sau khi phát hành là sản phẩm đã bị đưa lên mạng.
Ưu tư nhất vẫn là làm cách nào để cải lương tiếp cận giới trẻ. Nhiều bạn sinh viên của trường đã đề nghị cải lương cần áp dụng kỹ thuật công nghệ cao, chẳng hạn làm sân khấu ảo để Thanh Nga “hiện lên” hát ngay trên sàn diễn, hoặc bỏ các hình thức ước lệ khó hiểu mà cứ diễn với cảnh trí thật, hoặc phân khúc thị trường cho khán giả sành điệu xem dạng cải lương nghệ thuật cao, còn khán giả trẻ mới nhập môn thì có thể làm quen với dạng cải lương vui vui, ngắn ngắn như trong các game show hiện nay…
Trách nhiệm còn đặt lên vai tác giả kịch bản và các nhạc sĩ, khi đạo diễn Ca Lê Hồng mong mỏi âm nhạc cải lương cần đi theo thời đại, sáng tác thêm bài bản mới, phù hợp với tiết tấu nhanh của cuộc sống và ngôn ngữ thì gần gũi hơn, chứ đừng quá sáo rỗng. Nhà báo Ngọc Tuyết lại khẳng định kho tàng bài bản của cải lương rất nhiều nhưng do tác giả đã làm rơi rớt đi, chỉ còn quanh quẩn những bài bản quen thuộc, dễ bị nhàm chán.
Cuối cùng, NSƯT Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa TP.HCM, xác định là cần có một cơ chế, chính sách đầu tư cho các nguồn lực của cải lương, chẳng hạn như miễn giảm thuế cho các đơn vị xã hội hóa, tạo nơi biểu diễn, đặt hàng tác phẩm, bảo hộ quyền tác giả… Bà cho biết kế hoạch sắp tới sẽ cố gắng thực hiện những điều đó, cùng với tăng cường hoạt động biểu diễn sao cho rạp Hưng Đạo sáng đèn thường xuyên hơn, thêm các suất diễn phục vụ, mở khóa đào tạo ngắn hạn, khai thác thế mạnh phục vụ du lịch, tăng cường chương trình sân khấu học đường…
Trong một buổi tọa đàm có thể chưa nói hết những ý kiến trong lòng mọi người, nhưng tình yêu cải lương được củng cố thêm. Nhất là với hàng trăm gương mặt trẻ măng đến dự dù họ đang học các khoa khác không liên hệ gì đến cải lương, cho thấy cải lương vẫn còn sức hút. Cải lương như mạch nước ngầm chảy mãi, vấn đề là làm sao khai thác cho nó phun thành tia mạnh mẽ mỗi ngày trong đời sống chúng ta mà thôi.
Bình luận (0)