Làm thế nào để gỡ mối ‘bất hòa’ giữa thầy Park và V-League ?

03/01/2021 09:36 GMT+7

Mâu thuẫn giữa HLV Park Hang-seo và các CLB chuyên nghiệp Việt Nam xoay quanh việc sử dụng cầu thủ trẻ, tiền đạo nội hay ngoại tại V-League sẽ không có điểm dừng nếu bóng đá Việt Nam vẫn chỉ giới hạn quỹ trận đấu như hiện nay.

“Khẩu chiến”

Suốt gần một tuần qua, cuộc “khẩu chiến” gián tiếp giữa HLV Park Hang-seo và các CLB V-League đã nổ ra. Thầy Park “cự nự”: “Năm ngoái V-League có 47 cầu thủ ngoại thì 70% trong số đó đá tiền đạo. Như thế thì tìm đâu ra tiền đạo cho các đội tuyển quốc gia. Các cầu thủ trẻ gần như không có cơ hội đá chính. Cầu thủ U.22 của tôi về CLB cũng chỉ ngồi dự bị mà thôi. Còn trên đội tuyển, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Công Phượng, Đức Chinh, Tiến Linh… vì tôi tìm mà không thấy ai giỏi hơn họ. Tất nhiên tôi nói vậy thì một số CLB sẽ phản đối tôi. Nhưng làm thế nào để cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu thì Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) chắc chắn sẽ phải nghiên cứu”.
Trong khi đó, các CLB cũng có lý do riêng của mình. HLV một CLB phía bắc chia sẻ: “Thực ra lý do dẫn đến mâu thuẫn giữa đội tuyển và các CLB xuất phát từ một vấn đề không mới nhưng chưa được giải quyết triệt để. Ông Park muốn các tiền đạo nội được thi đấu nhiều hơn, các cầu thủ trẻ được ra sân nhiều hơn. Nhưng chúng tôi cũng có cái khó.
Cuộc đua tại V-League ngày một khốc liệt, nhất là mùa vừa rồi và mùa 2021 do hoàn cảnh khách quan mà VPF phải chia giải thành hai giai đoạn. Nếu không cẩn thận sẽ bị rơi xuống nhóm tranh trụ hạng, không còn cơ hội làm lại. Các đối thủ rầm rộ mua sắm ngoại binh “hạng nặng” thì làm sao chúng tôi có thể đứng yên. Mà hầu hết ngoại binh này cũng không còn trẻ nếu tính về sự nghiệp cầu thủ, cũng đều trên 26 tuổi. Như Pedro của Viettel, Geovane của Hà Nội FC cũng đều sinh năm 1994. Đội Hà Nội vừa ký thêm với Bruno - người cũ của Viettel sinh năm 1993.
Đương nhiên, tiền đạo ngoại hơn hẳn về thể hình, sức mạnh, trình độ, đẳng cấp so với các tiền đạo nội. Các tiền đạo nội mà trẻ lại càng hiếm. Làn sóng mua “Tây” thực chất cũng không phải diễn ra trong một vài mùa giải gần đây mà đó vốn dĩ đã là câu chuyện tồn tại cả 2 thập kỷ qua. Vì thế, yêu cầu các CLB tại V-League thay đổi để phục vụ cho đội tuyển là câu chuyện không tưởng tính đến thời điểm này. Thành tích của CLB sẽ sụt giảm nếu như dùng người ít kinh nghiệm”.

Cần có giải pháp căn cơ

Quan điểm trái chiều giữa ông Park và các CLB chắc chắn sẽ mãi trái chiều, thậm chí còn “leo thang” nữa nếu các nhà hoạch định bóng đá Việt Nam không tính đến giải pháp căn cơ, phù hợp với lợi ích của tất cả các bên. Ông Park từng gợi ý một giải pháp là cần phải có một định mức cho các cầu thủ trẻ được thi đấu tại V-League ở mỗi trận. Nhưng các CLB không chấp nhận. Mà VFF hay VPF cũng khó chiều theo ông Park về đề xuất này.
Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, cho biết: “Không một quốc gia nào trên thế giới lại giới hạn lứa tuổi thi đấu ở giải cao cấp nhất của hệ thống thi đấu trong nước. Singapore cũng từng áp dụng việc giới hạn này nhưng sau phải bỏ vì không hiệu quả”. Nền bóng đá Việt Nam nếu đi ngược lại lợi ích của các CLB có thể rơi vào cảnh khủng hoảng, thậm chí là thất bại như Malaysia hay Trung Quốc, những nền bóng đá cũng từng áp dụng phương án tương tự như những gì mà thầy Park đề cập. Nhưng đội tuyển cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu như chất lượng nội binh không cao.

Sẽ đưa tuyển thủ trẻ tập huấn và thi đấu giao hữu nước ngoài

Ông Lê Hoài Anh chia sẻ với Báo Thanh Niên rằng, VFF đang duy trì những giải trẻ có chất lượng cao và sẽ tiếp tục nâng chất các giải đấu này, từ U.15, U.17, U.19, U.21. Đây là những sân chơi vô cùng hữu ích, giúp các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội cọ xát và rèn giũa bản lĩnh, kinh nghiệm cũng như trình độ chuyên môn.
Vì năm 2020 vướng dịch Covid-19 nên một số kế hoạch của VFF về việc cử các đội trẻ đi thi đấu giao hữu ở nước ngoài bị phá sản. Tuy nhiên, trong tương lai, VFF vẫn tính đến phương án đưa các đội trẻ như U.17, U.19 Việt Nam ra nước ngoài tập huấn hoặc thi đấu ở những giải không chính thức (ngoài những giải lứa tuổi của khu vực hay châu lục), mà theo ông Hoài Anh: “Được đọ sức với những cầu thủ trẻ đến từ những nền bóng đá hàng đầu thế giới, các tuyển thủ trẻ Việt Nam rất dễ nâng cấp trình độ”.
Nhìn từ thực tế hiện tại, bóng đá Việt Nam vẫn có phương án để cân bằng việc sử dụng nội binh và ngoại binh. Đó là tiếp tục có thêm những giải đấu ở cấp độ trẻ. Sự xuất hiện của Cúp quốc gia dành cho lứa U.15, U.17, U.19 là những kế hoạch mà VFF có thể tính đến. Lúc đó, số trận đấu dành cho lứa tuổi này có thể sẽ được tăng thêm từ 9 - 10 trận/năm. Qua đó mở thêm đất diễn cho những cầu thủ, đặc biệt là các tiền đạo trẻ. Ngoài ra, việc xuất hiện thêm một giải đấu thuộc hệ thống chuyên nghiệp kiểu như Cúp Liên đoàn cũng là một phương án để tăng thêm số trận đấu và mở rộng thêm cơ hội cho những cầu thủ dự bị được sử dụng ở mặt trận này.
Một số nền bóng đá tiên tiến trên thế giới, hệ thống thi đấu trong nước, giải vô địch quốc gia vẫn song song với giải phụ, dành cho cầu thủ dự bị và cầu thủ trẻ. Lấy ví dụ như giải vô địch Hà Lan, cứ một ngày sau khi các cầu thủ đá chính thi đấu xong là các cầu thủ trẻ hoặc dự bị của trận hôm trước được ra sân ở giải phụ. Khi còn khoác áo CLB Heerenveen, Văn Hậu thường xuyên được thi đấu ở giải trẻ này. Đương nhiên, với quỹ thời gian gần như kẹt cứng ở năm 2021, ý tưởng tổ chức thêm giải khác như nói trên sẽ không dễ được triển khai tức thì. Nhưng về lâu dài, đó hoàn toàn là phương án khả dĩ để giải quyết mâu thuẫn giữa HLV Park Hang-seo và các CLB tại V-League.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.