Làm thế nào để không bị lộ thông tin căn cước công dân, định danh điện tử?

Trần Cường
Trần Cường
25/09/2022 17:24 GMT+7

Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đưa ra khuyến cáo để người dân tránh bị lộ lọt thông tin từ căn cước công dân gắn chip và định danh điện tử.

Gần đây, nhiều người quan tâm đến tính bảo mật của căn cước công dân gắn chip mà Bộ Công an đang cấp cho công dân Việt Nam, cũng như định danh điện tử (căn cước công dân điện tử) và thắc mắc liệu có bị đánh cắp thông tin, hoặc nếu lộ, lọt thì xử lý thế nào?.

Không thể làm giả căn cước công dân gắn chip

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an), cho biết công nghệ triển khai trên thẻ căn cước công dân tuân thủ theo tiêu chuẩn bảo mật của thế giới và của Việt Nam, đảm bảo thẻ không thể bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin trên thẻ nếu công dân không tự xuất trình thẻ căn cước công dân để tiếp xúc với đầu đọc thẻ (các cơ quan chức năng đã được trang bị để đọc thông tin, phục vụ trong các thủ tục hành chính).

Ngoài ra, chip trên thẻ căn cước công dân chỉ hoạt động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các thiết bị đầu đọc chip trong phạm vi 10 cm. Trong quá trình trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và chip của thẻ căn cước công dân, mọi thông tin đều được mã hóa nhằm chống lại việc nghe lén, lấy trộm thông tin của công dân.

Theo đại diện C06, dữ liệu công dân bên trong chip khó có thể làm giả và thay đổi được sau khi phát hành thẻ với các thuật toán mật mã tuân thủ theo tiêu chuẩn của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng như tiêu chuẩn bảo mật quốc tế.

Đồng thời, nếu có tác động bất hợp pháp can thiệp, chip sẽ có cơ chế tự bảo vệ dữ liệu. Công nghệ phần cứng của chip cũng như các công nghệ phần mềm triển khai trên thẻ căn cước công dân đảm bảo chống lại việc làm giả thẻ cũng như làm giả dữ liệu của công dân.

Không những vậy, ảnh được in trên thẻ căn cước công dân là ảnh được lưu trong chip trong quá trình sản xuất, do vậy, hoàn toàn có thể phát hiện khi đối sánh sinh trắc, nên việc lấy trộm thẻ căn cước công dân để sử dụng vào các mục đích bất hợp pháp là không thể.

“Chẳng hạn, với thẻ căn cước công dân gắn chip, khi đi rút tiền tại ngân hàng, công dân phải quét vân tay trực tiếp để so sánh với vân tay lưu trong thẻ căn cước công dân để xác định chủ thẻ, nếu vân tay trùng khớp thì mới rút tiền được. Như vậy, nhân viên ngân hàng có thẻ cũng không thể tự rút được tiền của công dân”, đại diện C06 cho hay.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, người dân không cho người lạ mượn, chụp căn cước công dân, không được cầm cố căn cước công dân cho các cơ sở cầm đồ hoặc các đối tượng cho vay tín dụng đen; không đăng tải, chia sẻ hình ảnh căn cước công dân lên mạng xã hội.

Khuyến cáo khi sử dụng căn cước công dân điện tử

Ngoài việc cấp căn cước công dân gắn chip cho người dân, Bộ Công an cũng đang triển khai cấp định danh điện tử cho công dân Việt Nam, định danh điện tử thực chất là căn cước công dân của công dân trên môi trường điện tử.

Trong trường hợp người dân quên căn cước công dân gắn chip, có thể dùng phần mềm VneID để chứng minh nhân thân, cũng như những thông tin được tích hợp bên trong.

Trước những lo ngại về việc lộ, lọt thông tin từ căn cước công dân điện tử, đại tá Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (thuộc C06), cho biết ứng dụng định danh điện tử VNeID sẽ triển khai các tính năng bảo mật để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân người dùng như cảnh báo đăng nhập tài khoản trên thiết bị lạ, tài khoản chỉ được đăng nhập vào một thiết bị tại một thời điểm, tăng cường độ mạnh mật khẩu tài khoản định danh, tính năng mật mã sử dụng một lần OTP gửi về email do công dân đăng ký….

Về vấn đề các đối tượng giả danh công an thực hiện đánh cắp tài khoản, thông tin, đại tá Tấn khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin gì liên quan đến thông tin cá nhân, mật khẩu tài khoản định danh điện tử, mật mã OTP được gửi về điện thoại đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua đường dây điện thoại hay chia sẻ cho cá nhân với bất kỳ hình thức nào khác.

Lực lượng công an sẽ không trực tiếp gọi điện cho công dân mà chỉ tiếp nhận xử lý các yêu cầu của công dân tại các trụ sở cơ quan công an theo đúng quy trình.

Theo đại tá Tấn, để không trở thành nạn nhân của những đối tượng xấu, người dùng phải luôn đặt mật khẩu cho thiết bị cá nhân cũng như tăng cường độ mạnh của mật khẩu trên ứng dụng VNeID.

Mật khẩu được coi là mạnh phải chứa ít nhất 12 ký tự, bao gồm ký tự hoa, ký tự thường, ký tự chữ số và các ký tự đặc biệt. Thường xuyên định kỳ 3 tháng nên thay đổi mật khẩu của ứng dụng VNeID. Đồng thời, không lưu trữ mật khẩu dạng bản rõ tại thiết bị điện thoại hay trên các thiết bị khác.

Ngoài ra, công dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin liên quan đến thông tin cá nhân, thông tin liên quan đến tài khoản định danh điện tử cho người khác. Thường xuyên cập nhật ứng dụng VNeID khi có bản cập nhật mới của Bộ Công an phát hành; cần đăng xuất tài khoản định danh điện tử khỏi ứng dụng VNeID ngay khi đã sử dụng xong và tránh sử dụng các phần mềm, ứng dụng không rõ nguồn gốc cài đặt trên thiết bị cá nhân.

Trong trường hợp công dân bị lộ, mất tài khoản định danh điện tử thì gọi điện tới tổng đài tại C06 theo số 19000368 để yêu cầu khóa tài khoản hoặc đến cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.