Ngoài "phù phép" nội/ngoại thất, tua công-tơ-mét cũng là một trong những chiêu trò được nhiều người bán ô tô áp dụng khi tân trang chiếc xe của mình, nhằm mục đích bán ra với mức giá cao hơn. Thực tế, trên thị trường ô tô cũ hiện nay xuất hiện không ít xe cũ với "tuổi đời" khá lớn. Tuy nhiên, số odo (odometer - quãng đường lăn bánh thực tế) lại thấp… đến giật mình.
Lý giải về thực trạng này, ông Trọng Thạch Nguyên Vũ - một người có thâm niên trong thị trường ô tô cũ cho rằng: "Tâm lý của những người mua xe đã qua sử dụng thường sẽ quan tâm đến việc chiếc xe đã chạy nhiều hay ít. Vì chắc chắn, ô tô chạy nhiều độ hao mòn cũng nhiều hơn; dẫn đến việc phải thay thế một số phụ tùng cần thiết (dựa theo quãng đường di chuyển - PV). Đây là lý do người mua xe cũ thường chọn xe có số odo thấp. Ở chiều ngược lại, không ít người bán xe cũ lại nắm được suy nghĩ này, nên đã chủ động tua công-tơ-mét với mục đích giúp xe bán ra được giá hơn".
Đáng nói, nhìn ra nhu cầu "hô biến" odo của những cá nhân muốn bán xe cũ, nhiều đơn vị, garage còn cung cấp cả dịch vụ tua công-tơ-mét ô tô chuyên nghiệp. Điều này càng khiến thị trường xe cũ trở nên phức tạp hơn.
Làm thế nào để "vạch trần" xe cũ đã tua công-tơ-mét?
Từ thực trạng của thị trường ô tô cũ, nhiều chuyên gia cho rằng, để tránh rơi vào thế "việt vị", người mua nên thận trọng và kiểm tra kỹ càng trước khi xuống tiền mua xe. Dưới đây là một số cách để có thể "vạch trần" ô tô cũ đã bị tua công-tơ-mét:
So sánh odo xe với mức trung bình. Thực tế, đây chỉ là bước đơn giản nhất để đánh giá sơ bộ về xe. Theo các chuyên gia có kinh nghiệm, ô tô sử dụng tại Việt Nam thường di chuyển quãng đường trung bình mỗi năm từ 10.000 - 15.000km; hoặc cao lắm cũng chỉ dưới 20.000km. Vì vậy, người mua có thể xem xét odo thực tế hiển thị trên đồng hồ thông tin phía sau vô-lăng, từ đó so sánh với quãng đường trung bình nói trên để đoán được tình trạng sơ bộ của xe.
Tiếp theo, cần kiểm tra kỹ lịch sử bảo dưỡng của xe. Thông thường, khi chủ xe đưa xe đến đại lý để bảo dưỡng, kỹ thuật viên sẽ ghi chép lại số km xe đã di chuyển trong sổ tay. Chính vì vậy, khi đi xem và kiểm tra xe, bạn nên yêu cầu người bán cung cấp sổ tay bảo dưỡng này và xem xét kỹ từng chi tiết. Trường hợp chủ xe từ chối cung cấp hoặc đưa lý do để thoái thác, bạn nên cân nhắc mua xe này. Bởi rất có thể, chiếc xe đã gặp vấn đề.
Với trường hợp xe không bảo dưỡng ở đại lý hoặc garage chuyên nghiệp, theo nhiều chuyên gia có kinh nghiệm, người mua xe còn kiểm tra thêm các chi tiết khác như lốp (xem xét độ mòn của lốp so với km đã đi), vô-lăng, cần số, ghế tài xế và các chi tiết nội thất xem có bị quá cũ hay mòn không. Đồng thời cần lái thử để kiểm tra độ êm động cơ, độ mượt của hộp số, chân côn…
Đặc biệt, theo ông Trọng Thạch Nguyên Vũ, nếu người mua chưa có nhiều hiểu biết hoặc mới làm quen với ô tô, hiện nay có rất nhiều đơn vị kinh doanh xe đã qua sử dụng có cam kết vấn đề bán xe không tua công-tơ-mét cho khách hàng. Đồng thời có thêm các chính sách bảo hành. Người mua hoàn toàn có thể cân nhắc lựa chọn mua xe qua những đơn vị này, để hạn chế tình trạng mua phải xe đã bị "phù phép".
Bình luận (0)