Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều - Trưởng khoa Nội Tim mạch 1, Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết có đến 55 triệu chứng tồn tại lâu dài sau khi hồi phục Covid-19. Trong đó, có 1/5 số bệnh nhân xuất hiện tổn thương tim kéo dài, 20-60% bệnh nhân gặp bất thường về tim ở thời điểm 2 tháng sau khi nhiễm Covid-19. Sau 6 tháng sau nhiễm, số trường hợp bị tổn thương tim còn khoảng 5-9%. Người bệnh cần điều trị dứt điểm các triệu chứng mệt mỏi, khó thở, tức ngực, rối loạn nhịp tim… để tránh di chứng sau này.
Đau ngực, khó thở là triệu chứng liên quan đến tim mạch thường gặp sau khi khỏi Covid-19 |
Ảnh: Shutterstock |
Theo bác sĩ Thanh Kiều, SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể sẽ gây tình trạng viêm, hệ miễn dịch phải “gồng lên” để chống lại virus. Trong quá trình này, một số mô khỏe mạnh, bao gồm cả mô tim, bị virus làm tổn thương, ảnh hưởng đến chức năng tim. Một số vấn đề tim mạch mà người mắc Covid-19 có thể gặp sau khi khỏi bệnh gồm rung nhĩ, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, bất thường nhịp tim, bệnh cơ tim do căng thẳng…
Trong đó, rung nhĩ là tình trạng tim đập không đều, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như đột quỵ. Viêm cơ tim là tình trạng viêm và hoại tử cơ tim, có thể ảnh hưởng đến chức năng tim và dẫn đến suy tim. Còn viêm màng ngoài tim là lớp bao quanh tim bị viêm, có thể gây tràn dịch màng tim hoặc viêm cơ tim bên dưới. Bất thường nhịp tim là nhịp tim nhanh hoặc không đều. Trong khi bệnh cơ tim do căng thẳng, còn gọi là hội chứng “trái tim tan vỡ” xảy ra khi bệnh nhân căng thẳng quá mức, khiến tim không hoạt động được như bình thường. Các triệu chứng của bệnh cũng tương tự như nhồi máu cơ tim cấp. (Xem thêm 6 căn bệnh tim mạch nhất thường gặp tại https://tamanhhospital.vn/benh-tim-mach)
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều thăm khám cho bệnh nhân tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM |
Ảnh: BVĐK Tâm Anh |
Tại BVĐK Tâm Anh, để chẩn đoán chính xác triệu chứng tim mạch ở bệnh nhân đã khỏi Covid-19, bác sĩ sẽ trực tiếp thăm khám và chỉ định một số phương pháp cận lâm sàng như đo điện tim, đo huyết áp và nhịp tim tư thế (ngồi/nằm và đứng), gắn máy theo dõi nhịp tim 24 giờ (Holter ECG); siêu âm tim, chụp CT động mạch vành, đo men tim nếu có dấu hiệu của hội chứng mạch vành cấp…
Siêu âm tim giúp phát hiện tổn thương tim do hội chứng hậu Covid-19 |
Ảnh: BVĐK Tâm Anh |
Theo bác sĩ Thanh Kiều, việc điều trị tổn thương tim mạch sau khi mắc Covid-19 sẽ phụ thuộc vào triệu chứng gặp phải. Chẳng hạn, nếu người có nhịp tim nhanh, đau thắt ngực hoặc hội chứng mạch vành cấp, bác sĩ có thể kê thuốc chẹn beta. Đối với tình trạng viêm màng ngoài tim, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng viêm giúp giảm sưng và viêm bao màng ngoài tim hiệu quả.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường hoạt động thể chất, tập thể dục đều đặn và tham khảo ý kiến bác sĩ hình thức vận động phù hợp. Việc tập thể dục gắng sức ngay sau khi khỏi Covid-19 có thể gây căng thẳng cho tim và các cơ quan khác như phổi, gan.
Người bệnh có thể bắt đầu bằng những bài tập nhẹ nhàng, sau đó từ từ tăng cường độ tập lên như lúc chưa mắc bệnh. Đồng thời duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế tăng hoặc giảm cân quá nhiều; tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, tăng cường rau củ quả, protein tốt, chất béo tốt; hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều muối và thực phẩm nhiều đường.
Đặc biệt, người bệnh cũng cần nhận biết những triệu chứng nghiêm trọng để đến bệnh viện kịp thời. Hội chứng hậu Covid-19 có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tim mạch nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
Trung tâm Tim mạch, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Hà Nội: 108 Hoàng Như Tiếp, P.Bồ Đề, Q.Long Biên, Hotline: 1800 6858
TP.HCM: 2B Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình, Hotline: 0287 102 6789
Bình luận (0)