Lạm thu dưới danh nghĩa quỹ phụ huynh tái diễn trầm trọng

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
30/09/2023 05:19 GMT+7

Tình trạng lạm thu dưới danh nghĩa ban đại diện phụ huynh đã tồn tại nhiều năm, năm nào ngành giáo dục cũng chấn chỉnh nhưng năm nay lại tái diễn trầm trọng hơn.

Vào tháng 8, trước thông tin phản ánh về việc lớp 1A5 Trường tiểu học Hữu Hòa (H.Thanh Trì, Hà Nội) "muốn lắp điều hòa cho con, phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng sẽ không được lắp", UBND huyện đã thành lập tổ công tác xác minh.

Lạm thu dưới danh nghĩa quỹ phụ huynh tái diễn trầm trọng - Ảnh 1.

Minh họa: DAD

Mới đây nhất, thêm một trường học của H.Thanh Trì là Trường THCS Tứ Hiệp bị phản ánh có nhiều khoản thu lạ xuất hiện trong bản thu chi với 25 đầu mục của Ban đại diện cha mẹ học sinh (HS) năm học 2023 - 2024. Chẳng hạn, tiền tri ân các thầy, cô giáo dịp tết từ 45 - 50 triệu đồng; tiền đóng kinh phí cho HS học bồi dưỡng từ 10 - 15 triệu đồng...

Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thanh Trì, cho biết tinh thần chỉ đạo của huyện là xử lý nghiêm khắc tập thể, cá nhân vi phạm quy định liên quan đến công tác thu, chi và tuyệt đối không bao che cho hành vi vi phạm.

Trước đó, sau cuộc họp phụ huynh HS Trường THPT Chu Văn An (Q.Tây Hồ) vào ngày 16.9, có thông tin phản ánh tình trạng lạm thu quỹ cha mẹ HS ở lớp 12 văn. Mức thu quỹ học kỳ 1 với mỗi phụ huynh là 4,5 triệu đồng. Ngày 23.9, sau khi xác minh, nhà trường xác định lớp 12 văn đã không thực hiện đúng quy định về điều lệ ban đại diện cha mẹ HS do Bộ GD-ĐT quy định và yêu cầu trả lại các phụ huynh khoản thu này.

Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết đã có văn bản yêu cầu các nhà trường thực hiện theo quy định tại điều 10, Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT, tuyệt đối không được lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ HS để thu các khoản ngoài quy định và không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ HS.

Bộ GD-ĐT chỉ đạo rà soát vụ chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa

Ngày 29.9, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 5333 về vấn đề rà soát, báo cáo tình hình các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên.

Công văn nêu hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa và chủ trương xã hội hóa giáo dục đã góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng và giáo dục nhân cách toàn diện cho người học. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động này còn có hạn chế dẫn đến băn khoăn, lo lắng và tạo ra dư luận không tốt.

Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về liên kết, tổ chức, triển khai hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu người học.

Báo cáo tình hình triển khai các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa tại địa phương về Bộ GD-ĐT trước ngày 15.10.2023.

Đầu năm 2023, cử tri TP.Hà Nội có kiến nghị về việc gần đây dư luận bức xúc vì một số khoản thu không đúng quy định của ban đại diện phụ huynh HS, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét hoạt động của tổ chức này.

Trả lời bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng ban đại diện phụ huynh HS hoạt động theo quy định tại Điều lệ Ban đại diện cha mẹ HS, ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22.11.2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Xem nhanh 20h: Quan điểm trái chiều từ phụ huynh và nhà trường vụ lạm thu quỹ lớp

Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT: "Hiện nay vẫn còn có tình trạng một số cơ sở giáo dục chưa thực hiện đúng quy định, vẫn còn lạm thu quỹ phụ huynh hoặc huy động tài trợ không đúng quy định, gây bức xúc cho phụ huynh HS. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phối hợp giữa gia đình với nhà trường trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục"...

Tuy vậy, việc lạm thu dưới danh nghĩa ban đại diện phụ huynh đến thời điểm này đang tái diễn ở nhiều địa phương và có xu hướng nghiêm trọng hơn. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.