Đó là ý kiến của ông Đặng Phong, Phó giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam (nguyên là Chủ tịch UBND H.Bắc Trà My) khi mổ xẻ mặt tích cực và tiêu cực từ việc xây dựng thủy điện trong hội thảo “Thủy điện miền Trung và sự tham gia của người dân” được tổ chức vào hôm qua 3.10, tại Hội An (Quảng Nam).
|
Hội thảo do Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) và Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam (QNAUSTA) tổ chức đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu các tỉnh bị ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện như: Quảng Nam, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế và Phú Yên.
Ông Đặng Phong cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường của các thủy điện là không đáng tin. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên gia thủy lợi (Sở NN-PTNT Quảng Nam) cho biết, việc đánh giá tác động môi trường của các thủy điện đang mang nặng tính hình thức, đặc biệt là các thủy điện vừa và nhỏ. Ông Tuấn cho biết thêm rằng các hồ thủy điện ở Quảng Nam chỉ cần mưa 2 ngày là đầy. Khi lũ đến thì các hồ liên tục xả nước, người dân lại kêu trời.
Ngoài ra, ông Trần Văn Hạt, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Phú Yên, nhận xét người dân mất quá nhiều vì thủy điện. Đặc biệt là mất mát về tinh thần bởi người dân phải bỏ nơi ở cũ, phong tục, tập quán để nhường đất cho thủy điện. Ông Hạt nhấn mạnh: “Đồng bào dưới hạ du thủy điện như đội hồ nước trên đầu, tôi nghe câu này mà cảm thấy xót xa. Hãy đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi ích nhóm. Người dân không phải là đối tượng khai thác…”. Còn ông Đặng Phong khẳng định: “Người dân đã hy sinh cho thủy điện quá nhiều, đề nghị chủ đầu tư thủy điện chia sẻ lợi ích với người dân trong việc phục vụ sinh kế”.
Đại diện người dân bị ảnh hưởng ở vùng hạ lưu của sông Vu Gia - Thu Bồn, bà Trần Thị Kim Hoa (trú H.Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, các thủy điện ở phía thượng nguồn đã làm dòng sông khô cạn, giao thông đường thủy bị ách tắc. Vì quá nhiều tác động tiêu cực đến đời sống, nên được phát biểu tại hội thảo, ông Briu Bông (trú xã Cha Val, H.Nam Gang, Quảng Nam), khẩn thiết đề nghị tiếng nói của mình đến Quốc hội: “Ở nơi nào còn thiếu thủy điện thì xây dựng, nơi nào đã đủ thì xin hãy dừng ngay”.
Ngoài ra, ông Đào Trọng Hưng, chuyên gia sinh thái học VRN, đề xuất cần có cơ chế chia sẻ lợi ích với người dân trong các dự án thủy điện, chẳng hạn người dân có cổ phần trong các nhà máy thủy điện. Một đại diện của Quỹ Rosa Luxemburg tham dự hội thảo chia sẻ rằng người dân đã bỏ đất đai, văn hóa, phong tục tập quán… tuy không phải là tiền nhưng là những giá trị đã có. Theo đó, ở Đức có mô hình: người dân là cổ đông trong nhà máy điện, để người ta có cảm giác là người làm chủ dự án và đang vận hành nhà máy.
Hoàng Sơn
Bình luận (0)