Làm Tổng bí thư điều trước tiên là nghĩ cho Đảng, cho dân

Lê Hiệp
Lê Hiệp
15/08/2020 08:15 GMT+7

Ông Lê Khả Phiêu nói rằng: Làm Tổng bí thư, điều trước tiên là phải nghĩ làm gì cho Đảng, cho dân chứ không phải nghĩ tới việc đổi xe, đổi bàn, đổi ghế, đổi chỗ ngồi, trang thiết bị.

Người 22 năm, người hơn 12 năm làm thư ký bên cạnh cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, là ông Nguyễn Cao Thế và ông Nguyễn Giáp Dần đều có chung nhận định: Ông Lê Khả Phiêu là con người rất đời thường, giản dị; con người vì công việc, luôn đặt cá nhân và gia đình xuống sau.

Nhiều thế hệ nhớ về nguyên tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Tổng bí thư ăn cơm nắm, muối vừng

Nhận nhiệm vụ làm thư ký cho ông Lê Khả Phiêu từ năm 1984, ông Nguyễn Cao Thế nhớ lại lần đầu gặp thủ trưởng, ông đã “rất sợ” vì khi đó ông chỉ là một thiếu úy, còn ông Lê Khả Phiêu là thiếu tướng, Phó tư lệnh, Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (Mặt trận 719). “Thế nhưng, sau này sống với nhau thấy bác rất thoải mái, gần gũi”, ông Thế kể.
Suốt 22 năm sau đó, khi ông Lê Khả Phiêu về nước làm Phó rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng), rồi giữ chức Thường trực Ban Bí thư, Thường trực Bộ Chính trị, tiếp đến là được bầu làm Tổng bí thư của Đảng, ấn tượng sâu sắc nhất về cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đối với ông Thế là con người rất giản dị.
Ông Thế kể khi còn làm việc ở Tổng cục Chính trị rồi sau này là Thường trực Ban Bí thư, các chuyến công tác của ông Lê Khả Phiêu đều chỉ có 4 người: ông Lê Khả Phiêu, thư ký, bảo vệ và lái xe. “Hồi đó vẫn đi xe u-oát của Liên Xô, nếu đi Lạng Sơn hoặc vào Quảng Nam, Đà Nẵng thì thầy trò đều mang cơm nắm, muối vừng đi. Dọc đường đói lúc nào dừng xe vào rừng phi lao ăn lúc ấy. Ông nói nếu vào các đơn vị vừa tốn tiền, vừa mất thời gian của người ta”, ông Thế nhớ lại.

Tiểu sử Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Ông Nguyễn Giáp Dần, làm thư ký cho cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ năm 1996 - 2008, cũng xác nhận điều này, và cho biết ông Lê Khả Phiêu giữ thói quen này cho tới khi làm Tổng bí thư. “Có lần, chúng tôi từ Hà Nội đi Lào Cai, đến Yên Bái thì dừng lại ở một khúc đường, giở cơm nắm ra ăn. Sau đó, Yên Bái biết, bảo chúng tôi là tại sao không đưa thủ trưởng vào, nhưng bác Phiêu nói: “Mình đi quá giang vào thì lại phải tiếp đón, lại phải tập hợp, gây tốn kém cho Đảng bộ, nhân dân”, ông Dần kể.
Theo ông Dần, tháng 5.1996, ông Lê Khả Phiêu mới bắt đầu làm Thường trực Ban Bí thư, nhưng từ năm 1949 đã vào quân ngũ, tức là có tới 47 năm ông là người lính, lăn lộn trên chiến trường. “Thành ra, ông là lãnh đạo mang sắc thái của một người lính”, ông Dần nói.
“Có buổi trưa, hai thầy trò ăn cơm với nhau, cụ vẫn bảo: “Bây giờ là Tổng bí thư rồi, điều trước tiên là phải nghĩ làm gì cho Đảng, cho dân chứ không phải nghĩ tới việc đổi xe, đổi bàn, đổi ghế, đổi chỗ ngồi, trang thiết bị”, ông Dần nhớ lại và cho hay khi ông Lê Khả Phiêu bắt đầu công việc Tổng bí thư, ông dùng lại tất cả đồ dùng của người tiền nhiệm là cố Tổng bí thư Đỗ Mười, không thay đổi cái gì.

Dù trời mưa, dòng người đến viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu liên tục tăng

Sẵn sàng nghe những điều nói ngược

“Khi đồng chí lên làm Tổng bí thư, đồng chí nói với chúng tôi tất cả thư từ của dân, của đảng viên gửi đến không được để ở các vụ của văn phòng mà giao cho tổ thư ký, trợ lý đọc, phân loại rồi báo cáo đồng chí, để đồng chí cho ý kiến chuyển đến cơ quan nào giải quyết”, ông Dần nhớ lại.
Ông Thế cũng xác nhận điều này và kể rằng, mỗi lần cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đi công tác về là phong bì tài liệu dày cả tệp, phải chồng 5 - 6 tệp và ông đều trực tiếp đọc hết. Ở cơ quan làm chưa hết thì đêm về ông tiếp tục làm.
Ông Dần cho biết mỗi khi nhận được phản ánh hay nghe được thông tin về vụ việc nào đó là ông Lê Khả Phiêu chỉ đạo ngay. “Một là bản thân đồng chí cầm máy, hai là nói chúng tôi gọi đồng chí A, đồng chí B, tỉnh A, tỉnh B có sự việc này, đề nghị các đồng chí kiểm tra lại, nếu có thì kịp thời chấn chỉnh, nếu không thì giải thích cho dân rõ”, ông Dần kể và cho hay, có nhiều vụ việc ở địa phương, người dân kêu nhiều năm không xử lý được, ông Lê Khả Phiêu gọi người có trách nhiệm xử lý thì mới xử lý được.
Theo ông Thế, dù xử lý công việc quyết liệt theo phong cách của một người lính, song ông Lê Khả Phiêu rất lắng nghe. Dù làm Tổng bí thư nhưng chuyện gì ông không hiểu, không biết, ông đều mời những người hiểu biết trong lĩnh vực đó đến nói chuyện để hiểu hơn. Ông Thế kể bản thân ông nhiều lần cũng phản ánh và được ông Lê Khả Phiêu lắng nghe và đồng tình.

Quảng trường Ba Đình treo cờ rủ bắt đầu quốc tang Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.