Làm việc nguy hiểm, độc hại được bồi dưỡng bằng hiện vật trị giá 15.000-30.000 đồng/ngày?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/06/2022 14:57 GMT+7

Người lao động , học sinh, sinh viên làm việc hay thực tập trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại được bồi dưỡng bằng hiện vật, tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền từ 15.000 - 30.000 đồng.

Đó là nội dung của dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại, đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến đóng góp.

Thông tư này áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên thực tập hay học nghề, tập nghề đang làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật; hoặc đang làm việc trong môi trường lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, độc hại không đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế.

Nghề hàn cũng là một trong những nghề nặng nhọc, độc hại

M.Q

Những người trực tiếp tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, B, C theo quy định tại luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, cũng sẽ được bồi dưỡng bằng hiện vật theo thông tư này.

Theo ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TT-XH, bồi dưỡng bằng hiện vật được hiểu là những thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng nâng cao sức khoẻ, thể trạng của người lao động đang làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm độc hại, giúp phòng ngừa bệnh tật và thải độc, giảm bớt hậu quả của các yếu tố độc hại này.

Cụ thể, mức bồi dưỡng được tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền tương ứng, với mức 1 là 15.000 đồng, mức 2 là 20.000 đồng, mức 3 là 25.000 đồng và mức 4 là 30.000 đồng. Được biết so với quy định trước đó (năm 2013), mỗi mức được tăng thêm 5.000 đồng.

Điều đặc biệt là bồi dưỡng này không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (gồm cả đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật.

Người lao động, học sinh, sinh viên làm việc, thực tập trong môi trường trực tiếp tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm như cúm A-H5N1, đậu mùa, tả, viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh... (nhóm A); bệnh do vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), bạch hầu, cúm, dại, lao phổi, sốt rét, sốt phát ban, tay chân miệng... (nhóm B); giang mai, các bệnh do giun, mắt hột, sốt xuất huyết do vi rút Han-ta, viêm họng, viêm miệng... sẽ nằm trong mức 1 (15.000 đồng).

Người lao động, học sinh, sinh viên làm việc, thực tập trong môi trường nguy hiểm độc hại như trên, đồng thời có yếu tố xếp thang điểm 5 trở lên thuộc nhóm yếu tố về vệ sinh môi trường lao động gồm áp lực khí quyển, nồng độ hơi khí độc, nồng độ bụi, độ rung sốc, tiếng ồn... lớn hơn mức quy định của giới hạn cho phép, hoặc có yếu tố bức xạ ion hóa, điện từ trường tần số công nghiệp... sẽ nhận mức bồi dưỡng 4 (30.000 đồng).

Thông tư này yêu cầu người sử dụng lao động phải áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động.

Trong trường hợp chưa thể khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, độc hại thì phải tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động để ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe cho người lao động. Khi người sử dụng lao động áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường thiết bị an toàn lao động và cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm không còn yếu tố nguy hiểm, độc hại thì dừng thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.