Làm việc ở khoa cấp cứu

27/02/2012 10:08 GMT+7

Có đến khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đà Nẵng) thường xuyên, mới thấy hết những nhọc nhằn của bác sĩ, điều dưỡng nơi này.

 
Khám phân loại bệnh - ảnh: D.H

Nóng tính mấy cũng sẽ... đằm!

Một buổi sáng, khi PV Thanh Niên đến trao đổi với bác sĩ Hà Châu Thanh (Trưởng khoa Cấp cứu) về một số ca bệnh vừa nhập viện để lấy thông tin, thì một ca cấp cứu được xe taxi đưa vào. Nạn nhân bị chấn thương nặng ở chân. Các y tá nhanh chóng sơ cứu cho bệnh nhân. Một thanh niên đi cùng nhảy sổ đến, đòi phải có bác sĩ ra khám ngay mà không cho y tá làm, lại còn la lối om sòm, lời lẽ rất khó nghe. Nửa giờ sau, khi tất cả việc khám, kết quả kiểm tra cho bệnh nhân trên hoàn tất, lúc này người nhà mới đến bàn trực, rối rít xin lỗi bác sĩ và các y tá.

Bác sĩ Châu Thanh cười, chia sẻ: "Đó là việc thường ngày mà các bác sĩ trực cấp cứu gặp phải. Nhiều trường hợp người nhà còn xông vào đòi sử dụng "tay chân" với ca trực, lúc này các bác sĩ, y tá phải mềm mỏng để khuyên giải, chứ không càng to chuyện. Vì vậy, ai đã về khoa Cấp cứu, nóng tính mấy cũng đằm lại, bởi mọi người đều hiểu rõ, vì tình trạng của thân nhân quá cấp bách, sự lo lắng đã khiến họ nóng bất thường như vậy". Rất nhiều nơi tình trạng người nhà bệnh nhân đánh bác sĩ, y tá; riêng ở khoa Cấp cứu, tình trạng này chưa hề xảy ra.

Mỗi ngày, một ca trực chỉ có 3 bác sĩ và 8 điều dưỡng, nhưng khoa Cấp cứu đón không dưới 200 bệnh nhân... Có những ngày, số bệnh nhân lên đến gần 300 bệnh. Nếu nói trong bệnh viện nơi nào gặp nhiều khó khăn nhất, thì đó chính là khoa Cấp cứu. Những khoa phòng khác, thường nhận bệnh nhân khi đã phân loại được bệnh, công tác điều trị, chẩn đoán và quản lý sẽ dễ dàng hơn, trong khi khoa Cấp cứu, từ khâu tiếp nhận đến nhập viện, đều phải làm từ A-Z... Vì vậy mọi người thường gọi đây là nơi "đầu sóng ngọn gió" của bệnh viện.

Đón giao thừa ở bệnh viện

Lễ, tết là dịp người khác được nghỉ ngơi, dưỡng sức, thì ngược lại, đây là thời điểm căng như sợi dây đàn, bởi bệnh nhân vào ra ùn ùn. Có những ngày lễ, số bệnh nhân đến cấp cứu tăng lên gấp rưỡi, có khi gấp đôi thường ngày, nên khoa Cấp cứu càng tất bật. Cứ đến những ngày cuối năm, đều phải có ít nhất 10 cán bộ của khoa đón giao thừa ở đây.

Bác sĩ Phan Văn Liêu, với thâm niên 7 năm công tác ở khoa Cấp cứu, cười hiền lành khi nói đến những giao thừa trong bệnh viện: "Có năm, bệnh nhân đến giờ giao thừa quá đông, thế là lo cấp cứu bệnh nhân, đến khi giao thừa qua lúc nào cũng không hay. Lúc tạm dừng lại thì đã hơn 1 giờ sáng rồi! Lúc ấy y bác sĩ vội vàng chúc nhau câu năm mới rồi lại tiếp tục làm việc"... Các điều dưỡng của khoa khi trò chuyện, nói vui: "Thường những bệnh nhân "xông đất" khi vừa qua giao thừa đều là bệnh rất nặng, vì chỉ có nặng mới đi đến bệnh viện giờ đó, nên việc cứu chữa càng phải kịp thời hơn".

Những người thân trong gia đình của những y bác sĩ khoa, vì vậy cũng quen với nếp công việc, cùng sự vắng nhà thường niên trong những ngày lễ, tết với những cảm thông sâu sắc. "Khó gì thì cũng có thể hóa giải được, chỉ sợ nhất là cảnh bệnh nhân đã đến được bệnh viện mà quá nặng, không thể cứu, đó là điều đau lòng nhất của những y bác sĩ chúng tôi" - 27 năm làm ở khoa Cấp cứu, với nhiều xúc cảm, bác sĩ Hà Châu Thanh nói về những trăn trở của mình cùng những y bác sĩ đang làm việc tại khoa Cấp cứu này.

Diệu Hiền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.