Lấn biển Đà Nẵng: Không thể chờ thêm!

07/01/2025 10:52 GMT+7

'Để tạo dư địa phát triển, việc lấn biển là hệ trọng. Nếu dự án lấn biển được nghiên cứu kỹ lưỡng, quy hoạch bài bản vì mục tiêu chung sẽ là cơ hội để khai thác tốt không gian biển, tạo dư địa phát triển như chủ trương thông suốt hiện nay. Lấn biển để phát triển phải là mặt trận ưu tiên nhất của Đà Nẵng hiện nay, không thể chờ đợi thêm'.

Đó là nhận định của KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam khi trao đổi về chủ trương khai thác không gian phát triển mới, tạo hệ sinh thái kinh tế đất nước được nhắc đến nhiều trong thời gian qua.

Lấn biển Đà Nẵng: Không thể chờ thêm!- Ảnh 1.

KTS Trần Ngọc Chính

Quy hoạch tốt làm nên giá trị của dự án lấn biển

* Trong những phát biểu chỉ đạo gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, để có dư địa phát triển, “Việt Nam cần tập trung khai thác không gian vũ trụ, không gian biển và không gian ngầm”. Trong đó, không gian biển có vai trò quan trọng như thế nào, thưa ông?

- KTS Trần Ngọc Chính: Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm rằng: Không gian vũ trụ, không gian ngầm và không gian biển, nếu khai thác tốt sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn, là động lực tăng trưởng mới quan trọng của nền kinh tế. Không gian vũ trụ quốc gia nào cũng có thể khai thác nhưng không gian biển thì không phải quốc gia nào cũng có. Thế giới công nhận Việt Nam là quốc gia có tiềm năng và lợi thế về tài nguyên biển.

Các quốc gia khác đều rất mong muốn có biển như Việt Nam. Bởi vì chúng ta có 3.260 km bờ biển, lãnh hải khá rộng. Bởi vì vùng biển thuộc Việt Nam có giá trị cao về mặt kinh tế. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương; châu Âu - châu Á; Trung Đông - châu Á, là vùng biển có 1 trong số 10 tuyến đường hàng hải lớn nhất trên thế giới đi qua, giao thông nhộn nhịp đứng thứ 2 trên thế giới (sau Địa Trung Hải).

Các nước thèm khát sự đẹp đẽ về bãi tắm, những khu vực cảng nước sâu của Việt Nam… mà đi sâu hơn nữa chính là tiềm năng kinh tế biển. Như vậy, phải nhìn nhận rằng không gian biển của Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước.

Bất cứ một quốc gia nào nếu có điều kiện đều nỗ lực khai thác tốt nhất không gian biển. Thậm chí có quốc gia như Slovenia, đất liền rộng mênh mông, chỉ có vỏn vẹn 45km bờ biển, nhưng họ vẫn nỗ lực khai thác triệt để, phát triển hệ thống cảng biển. Trong khi đó, Việt Nam có những tỉnh như Quảng Ninh có gần 200 km bờ biển. Vì vậy có thể khẳng định: Không gian vũ trụ, không gian ngầm, đặc biệt không gian biển, nếu chúng ta tổ chức quy hoạch tốt và khai thác tốt sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế.

Cần “đảo nhân tạo” và những ý tưởng đột phá

* Năm 2024, Việt Nam chính thức có quy định pháp luật cụ thể về hoạt động lấn biển. Nhờ đó nhiều địa phương kỳ vọng có thể mở thêm quỹ đất, dư địa phát triển kinh tế biển. Xin ông chia sẻ quan điểm về hướng tiếp cận của các dự án lấn biển tại Việt Nam để phát huy lợi thế nguồn tài nguyên này?

- Như tôi đã nói, Việt Nam là quốc gia biển. Chủ trương của Đảng trong thời gian tới là tiến ra biển để khai thác và làm chủ biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển. Đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nói, đất nước đang phát triển, dân số đông, đất hẹp nên phải khai thác thêm các không gian thì mới phát triển được. Muốn phát triển đất nước thì phải được xây dựng, xây dựng thì phải có đất. Đất liền của Việt Nam trên 330 nghìn km2 nhưng 3/4 là đồi núi, tiếp đó với đồng bằng, ven biển và trung du thì để đảm bảo an ninh lương thực, chúng ta phải giữ lại một phần cho nông nghiệp. Chính bởi vậy, để tạo dư địa phát triển, việc lấn biển là hệ trọng.

Ngày xưa, cụ Nguyễn Công Trứ đã lấn biển. Hành trình quai đê lấn biển, trị thủy khai hoang đã có từ xa xưa. Ngày nay, lấn biển trước hết là tạo nên quỹ đất để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Chúng ta phải tính toán kỹ, không thể tư duy lấn biển là đổ đất ra biển. Việc lấn biển ở đâu, lấn bao nhiêu và lấn ra sao là công việc của những nhà quy hoạch, nhà khoa học về biển phải làm kỹ.

Chúng ta thấy rằng, Ả rập Xê Út hay UAE với đảo cây cọ được xem là hình mẫu lấn biển của thế giới. Tôi đã đến nhiều lần, nghiên cứu và gặp gỡ nhà làm quy hoạch tại đây. Họ lấn biển với diện tích bằng cả một thành phố với chi phí khổng lồ. Nhưng họ cũng tạo ra giá trị gấp 10 lần. Nhưng điều cốt lõi ở đây là việc lấn biển không thay đổi dòng chảy và chỉ làm đẹp khu vực vịnh đó. Và họ có ý tưởng quy hoạch đỉnh cao, tạo không gian nhà ở, du lịch, thương mại dịch vụ… tất cả hội tụ tại đây cùng bến du thuyền 5 sao trước mỗi căn biệt thự.

Đến nay, thế giới phải nể phục, còn người UAE gọi dự án lấn biển này là kỳ quan thứ 8 của thế giới. Tại sao họ thành công đến vậy, bởi lấn biển không chỉ là đổ đất tạo ra diện tích đất mới đơn thuần mà lấn biển bằng cả một hệ tư tưởng về vấn đề không gian, cảnh quan và sự độc đáo về kiến trúc, quy hoạch.

Lấn biển Đà Nẵng: Không thể chờ thêm!- Ảnh 2.

Công trình điểm nhấn trên khu vực lấn biển tại Dubai, UAE

Thế giới đã lấn biển từ lâu. Việt Nam cũng đã có lịch sử về lấn biển. Việt Nam có Kiên Giang với thành phố Rạch Giá đã lấn biển hàng nghìn hecta, gần như một nửa thành phố là lấn biển. Nhờ địa hình thuận lợi, việc lấn biển được thực hiện tương đối đơn giản. Giờ đây, Rạch Giá là thành phố đẹp và sôi động, nhưng vẫn giữ nét thanh bình với đô thị được quy hoạch bài bản, khang trang nhiều nơi ao ước. Có thể nói Kiên Giang đã lấn thành công, và không những thế tiếp tục muốn lấn biển ở Hà Tiên, bao gồm ý tưởng về những đảo ở ngoài để kết nối với Phú Quốc.

Như vậy, các dự án lấn biển cần có những ý tưởng rồi mới vạch ra quy hoạch cảnh quan tương xứng. Chúng ta từng có những dự án lấn biển như ở vịnh Bái Tử Long, sớm bị lên án khi cố gắng khoanh vùng, biến núi đá trên vịnh trở thành “hòn non bộ” - cảnh quan của khu đô thị. Điều này có nghĩa, dự án bị phản đối không phải vì lấn biển mà bởi ý tưởng nghèo nàn, quy hoạch chắp vá, không phát huy được tiềm năng biển. Ý nghĩa quan trọng của một dự án lấn biển là phải mang lại mục tiêu chung, lợi ích cho địa phương, đất nước. Nếu dự án lấn biển được nghiên cứu kỹ lưỡng, quy hoạch bài bản vì mục tiêu chung sẽ là cơ hội để khai thác tốt không gian biển, tạo dư địa phát triển như chủ trương thông suốt hiện nay.

* Sau Kiên Giang, Quảng Ninh, TP.HCM…, Đà Nẵng là địa phương mới nhất đang gây chú ý với dự án lấn biển tại Vịnh Đà Nẵng để làm khu thương mại tự do. Theo ông, hoạt động lấn biển sẽ giúp giải quyết vấn đề gì và mang lại lợi ích như thế nào cho TP sông Hàn?

- Việc lấn biển làm Khu thương mại tự do (TMTD) đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương, nhằm tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian phát triển cho Đà Nẵng. Hiện nay, Nhà nước đã quyết định cho đầu tư Khu TMTD thế hệ mới ở Liên Chiểu, nhưng quỹ đất để thực hiện dự án vẫn là một vấn đề. Bởi vì đất ở phía tây bờ của khu vực Liên Chiểu rất là ít.

Lấn biển Đà Nẵng: Không thể chờ thêm!- Ảnh 3.

Đà Nẵng được chỉ đạo nghiên cứu triển khai nhanh khu lấn biển

Khu TMTD thế hệ mới sẽ gồm chủ yếu là hoạt động logistics. Do đó, hạ tầng kết nối với Cảng Liên Chiểu phải được đảm bảo, bởi nơi đây rất gần đường sắt, đường bộ cao tốc, trong định hướng trở thành điểm trung chuyển hàng hóa. Cũng vì thế, việc lấn biển đóng vai trò quan trọng. Việc lấn bao nhiêu chúng ta cần phải bàn thảo xem xét nhưng lấn biển là yêu cầu tất yếu để tạo ra mặt bằng trở thành bến tàu, kho hàng, hoặc nhà máy, công xưởng ở mức độ phù hợp để phục vụ cho các hoạt động của Khu TMTD.

Nếu không lấn biển sẽ không hình thành được một cảng trung chuyển và cảng container tầm cỡ quốc tế. Mấu chốt là tạo nên một mặt bằng không quá xa bờ, kết hợp khai thác toàn bộ hệ thống tàu biển và kết nối với các phân khu khác của khu TMTD. Việc lấn biển, tạo ra mô hình như “đảo nhân tạo” cũng giúp dễ dàng kiểm soát về mặt ra vào, thuế quan… thuận lợi hơn trong bờ.

Với Đà Nẵng, lấn biển là việc không thể chờ thêm

* Mới đây nhất, chủ trì họp Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 136, Thủ tướng đã chỉ đạo Đà Nẵng nghiên cứu triển khai nhanh khu lấn biển; cùng với đó tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu, tạo đồng thuận trong việc thực hiện Nghị quyết. Ông kỳ vọng như thế nào về việc triển khai khu TMTD của Đà Nẵng trong thời gian tới?

- Tôi nghĩ Đà Nẵng đã bắt đầu câu chuyện về Khu TMTD thế hệ mới từ năm trước. Lãnh đạo thành phố cũng rất quan tâm và tập trung chỉ đạo cho dự án.

Theo đề án thành lập, quy mô diện tích của Khu TMTD Đà Nẵng đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng 2.317 ha, được bố trí tại 10 vị trí không liền kề, gắn kết với Cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng, trong đó vị trí lấn biển khoảng hơn 300 ha tại Vịnh Đà Nẵng.

Lấn biển Đà Nẵng: Không thể chờ thêm!- Ảnh 4.

Khu vực vịnh Đà Nẵng dự kiến lấn biển

Ảnh: Kim Liên

Tại đây, bên cạnh vị trí để làm đê chắn sóng, cầu tàu, kho bãi, theo tôi có thể nghiên cứu ý tưởng về đảo nhân tạo với công trình điểm nhấn đặc biệt. Chẳng hạn một thủy cung và một đường ngầm dưới mặt nước dẫn ra đảo. Trước đây tôi từng đề xuất với lãnh đạo Đà Nẵng để nghiên cứu. Ý tưởng này hi vọng có thể được tiếp nối để không chỉ thúc đẩy Khu TMTD thế hệ mới, mà còn thúc đẩy lĩnh vực du lịch, hướng tới mục tiêu phát triển đột phá cho Đà Nẵng. Chính các công trình điểm nhấn sẽ góp phần làm nổi bật khu TMTD Đà Nẵng so với các mô hình khác trên thế giới, bên cạnh chức năng chính về thương mại, logistics. Các hoạt động sẽ tương hỗ cho nhau.

Như Trung Quốc đã đưa cả đảo Hải Nam trở thành Khu TMTD với cảng TMTD lớn nhất thế giới. Đây được xem như Hồng Kông thứ hai của Trung Quốc. Nhưng Hải Nam vẫn đang tiếp tục phát triển các dự án đảo nhân tạo (đảo Hải Hoa, đảo Phượng Hoàng) trên vùng vịnh.

Với Đà Nẵng, nếu có các hòn đảo nhân tạo thiết lập hạ tầng quan trọng cho khu TMTD, đồng thời phát triển khu du lịch, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí đẳng cấp cao và bên dưới là một thủy cung, ban đêm trở thành “viên ngọc” rực sáng trên vịnh… thì đây sẽ là điểm nhấn ấn tượng cho thành phố.

Có thể nói, lấn biển để tạo quỹ đất xây dựng hạ tầng, là hoạt động đóng vai trò tất yếu để hình thành Khu TMTD thế hệ mới đúng nghĩa. Tất nhiên cần có tính toán kỹ càng trong công tác quy hoạch, nghiên cứu đánh giá, nhưng rất cần triển khai ngay để tiếp nối những nỗ lực của chính quyền Đà Nẵng thời gian qua. Đây phải là mặt trận ưu tiên nhất của Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay, chứ không thể chờ đợi thêm nữa.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.