Từ cầu cảng của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực II chỉ mất khoảng 5 phút để đi canô ra khu vực Hòn Sụp.
Du khách Hàn Quốc trải nghiệm lặn snorkeling ở khu vực Bãi Nam, bán đảo Sơn Trà - Ảnh: T.D
|
Đây là 1 trong 5 vị trí tập trung các vỉa san hô sống, đa dạng về chủng loại nằm quanh bán đảo Sơn Trà (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng).
Theo đánh giá của các chuyên gia Viện Hải dương học Nha Trang thì san hô tại khu vực bán đảo Sơn Trà không thua kém san hô ở Nha Trang hay Cù Lao Chàm cả về mức độ đa dạng lẫn chỉ số sinh tồn. Khu vực này tập trung hơn 100 ha rạn san hô các loại, hơn 26 ha các thảm rong biển và 10 ha thảm cỏ biển. Các hệ sinh thái này phân bổ chủ yếu ở khu vực Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Hục Lỡ, Vũng Đá vùng phía nam bán đảo Sơn Trà. San hô ở độ sâu từ 7-10 m thích hợp với dịch vụ lặn sâu (lặn diving) hơn là lặn nông bằng ống thở (lặn snorkeling).
Tour lặn diving ngắm san hô tại khu vực Hòn Sụp đã được khai thác nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên, dịch vụ này đòi hỏi người tham gia phải có kỹ thuật lặn cơ bản. Muốn trải nghiệm lặn nông bằng ống thở (lặn snorkeling) thì từ Hòn Sụp ra khu vực Bãi Nam, cũng chỉ mất chừng 5 phút. Lặn nông phổ biến hơn và dễ dàng hơn đối với du khách, không phân biệt thể trạng, độ tuổi, chỉ cần trang bị áo phao, ống thở, được hướng dẫn bơi vào khu vực có các vỉa san hô, và lặn trải nghiệm.
Để đa dạng hóa các dịch vụ, tăng trải nghiệm cho du khách, đặc biệt là không ảnh hưởng trực tiếp đến các vỉa san hô, từ tháng 8.2015, tại Đà Nẵng đã đưa vào sử dụng thúng đáy kính (bằng chất liệu composite, đáy kính được gia công cường lực) phục vụ du khách ngắm san hô và các thảm thực vật, sinh vật biển...
Hiện BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động bảo vệ vùng san hô. Cụ thể, sẽ thả phao quanh khu vực bảo vệ để hạn chế tàu thuyền đi vào khu vực bảo tồn. Phối kết hợp kiểm tra an ninh, vệ sinh môi trường, tuyến điểm du lịch, kết hợp tuần tra bảo vệ san hô. Sử dụng thuyền thúng, dùng còi nhắc nhở du khách khi vào vùng san hô để tránh tình trạng khách đạp phải san hô, và tuyệt đối cấm xả rác bừa bãi ảnh hưởng đến hệ sinh thái của động thực vật nơi đây.
Ông Nguyễn Đức Vũ, Phó trưởng BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết: “Hiện đơn vị quản lý 5 doanh nghiệp là Furama, Sông Hội, Bãi Rạng Xanh, DNOC VINA, Hoàng Long Yến và 7 cá nhân khai thác các tour chính là lặn ngắm san hô, câu cá cùng ngư dân, thể thao biển với 20 phương tiện được cấp phép. Các doanh nghiệp này cũng phối hợp với Đội bảo vệ nguồn lợi thủy sản P.Thọ Quang thành lập những Tổ cộng đồng bảo vệ san hô, triển khai nhiều hoạt động tích cực và thiết thực góp phần bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên biển vô giá này”.
Bình luận (0)