Lần đầu phát hiện đười ươi tự dùng lá thuốc để chữa lành vết thương

03/05/2024 06:01 GMT+7

Con đười ươi Sumatra đã dùng nhựa và lá của một loại cây thuốc để đắp vào vết thương gặp phải sau một trận chiến với con khác.

Loài linh trưởng như đười ươi từ lâu đã được công nhận có trí thông minh cao khi biết sử dụng công cụ để đập hạt bắt côn trùng làm thức ăn. Tuy nhiên, nghiên cứu mới cho thấy loài động vật này có một kỹ năng khác là dùng cây thuốc để trị thương.

Hình ảnh được công bố hồi tháng 6.2022 cho thấy con đười ươi đực Rakus tại vườn quốc gia ở Bắc Sumatra, Indonesia có vết thương trên mặt

Hình ảnh được công bố hồi tháng 6.2022 cho thấy con đười ươi đực Rakus tại vườn quốc gia ở Bắc Sumatra, Indonesia có vết thương trên mặt

AFP

Theo tờ The Guardian ngày 2.5, các nhà nghiên cứu cho biết đã nhìn thấy một con đười ươi đực Sumatra điều trị vết thương hở trên mặt bằng nhựa và lá được nhai nát của một loại cây thuốc được biết đến là có công dụng chống viêm và giảm đau.

Trước đây, từng có trường hợp đười ươi Borneo nhai lá của một loại cây trị đau cơ bắp và chà lên tay chân. Hay có lần những con tinh tinh nhai loại cây để trị nhiễm trùng giun và sử dụng côn trùng để trị vết thương. Tuy nhiên, phát hiện mới là lần đầu tiên một động vật hoang dã trị vết thương hở bằng chất có đặc tính y học.

"Tinh tinh sử dụng côn trùng và không may là chưa thể biết liệu những con côn trùng đó có thực sự thúc đẩy việc chữa lành. Trong khi đó với trường hợp của chúng tôi, đười ươi sử dụng loại cây được biết là có đặc tính y học", tiến sĩ Caroline Schuppli, tác giả nghiên cứu tại Viện Max Planck về hành vi động vật tại Đức cho biết.

Lần đầu phát hiện đười ươi tự dùng lá thuốc để chữa lành vết thương- Ảnh 2.

Con đười ươi dùng lá của một loại cây dây leo có tính chống viêm

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH THE GUARDIAN

Nhóm của bà Schuppli cho rằng phát hiện mới mang lại cái nhìn sâu hơn vào nguồn gốc của việc trị vết thương của con người, vốn được nhắc đến đầu tiên trong một bản thảo y học vào năm 2200 trước Công nguyên. "Việc đó chắc chắn cho thấy rằng những khả năng nhận thức cơ bản mà bạn cần để đưa ra hành vi như vậy rất có thể đã tồn tại vào thời của tổ tiên chung gần nhất của chúng ta", bà Schuppli nói.

Việc đười ươi trị thương bằng lá thuốc được bà Schuppli và đồng nghiệp tình cờ phát hiện trong một chuyến nghiên cứu trong khu vực rừng mưa được bảo tồn ở Indonesia.

Nhóm cho hay con đười ươi đực Sumatra tên Rakus đã gặp vết thương trên mặt, có thể do ẩu đả với một con đực khác. Ba ngày sau, Rakus được nhìn thấy ăn thân và lá của loại cây dây leo Fibraurea tinctoria. "13 phút sau khi ăn cây dây leo này, nó bắt đầu nhai lá nhưng không nuốt mà dùng các ngón tay để lấy nước bã từ miệng để quẹt lên vết thương trên mặt", các nhà nghiên cứu viết trong bài báo trên chuyên san Scientific Reports.

Con đười ươi đực lặp lại hành động và sau đó đắp toàn bộ phần lá đã nhai lên kín vết thương. Năm ngày sau, vết thương liền lại và sau vài tuần nó bình phục, chỉ còn vết sẹo nhỏ.

Loài cây nói trên được cho là chứa chất kháng khuẩn, kháng viêm, chống nấm, chống ôxy hóa, giảm đau, chống ung thư... và đã được dùng trong y học cổ truyền để chữa bệnh lỵ, tiểu đường và sốt rét.

Hiện chưa rõ Rakus tự nghĩ ra cách chữa lành hay học từ những con khác, dù việc này chưa từng được nhìn thấy trên những cá thể đười ươi khác.

Đười ươi ngộp thở, mắc bệnh vì khói mù cháy rừng ở Indonesia

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.