Lần đầu tiên dùng mũi kim cương khoan mạch vành cứu bệnh nhân

Đình Tuyển
Đình Tuyển
13/08/2019 13:47 GMT+7

Để cứu bệnh nhân, các bác sĩ đã dùng một đầu mũi khoan có cấu tạo đặc biệt bằng kim cương kích thước 1,25mm đưa vào lòng mạch vành, đến vị trí vôi hóa khoan với vận tốc 170.000 - 180.000 vòng/phút.

Chiều 13.8, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết bệnh viện vừa triển khai thành công kỹ thuật khoan mảng xơ vữa (Rotablator) điều trị cho bệnh nhân bị tổn thương hẹp và vôi hóa nặng ở động mạch vành phải. Đây là lần đầu tiên kỹ thuật chuyên sâu này được áp dung ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Trước đó, bệnh nhân là ông T.P.Đ (70 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau ngực sau xương ức, cảm giác như bị đè nặng, bóp nghẹt, cảm giác trên tăng lên khi gắng sức, mệt, khó thở nhiều.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết bệnh nhân bị hẹp động mạch vành phải từ 80%-95% vôi hóa nặng lan tỏa từ đoạn gần đến đoạn xa, kết hợp tuổi cao và các bệnh nội khoa kết hợp như: nhồi máu cơ tim cũ, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường không phụ thuộc insulin, rất khó để thực hiện đặt stent thường quy.
Các bác sĩ phải đặt máy tạo nhịp tạm thời trong buồng thất phải nhằm hỗ trợ nhịp tim ổn định để thực hiện can thiệp khoan mảng xơ vữa động mạch vành phải.
Để thực hiện kỹ thuật này, ê kíp can thiệp gồm Ths.BS Trần Văn Triệu, BS.CK1 Nguyễn Văn Nhiệm, BS Nguyễn Huỳnh Minh Thông (Khoa Tim mạch can thiệp) với sự hỗ trợ của GS.TS Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hội Tim mạch can thiệp TP.HCM, đã dùng một đầu mũi khoan có cấu tạo đặc biệt bằng kim cương rất nhỏ kích thước 1,25mm đưa vào lòng mạch vành, đến vị trí vôi hóa khoan với vận tốc 170.000 - 180.000 vòng/phút, trong vòng 25 lần mỗi lần khoảng 20 giây. Kỹ thuật khoan và đặt stent thực hiện thành công sau 4 giờ.
Hiện tại, sau can thiệp, bệnh nhân tiếp xúc tốt, nhịp tim đều, dấu hiệu sinh tồn ổn định, hết đau ngực, dự kiến xuất viện vào ngày mai.

Hình ảnh mạch vành bệnh nhân trước và sau can thiệp

Ảnh: Đình Tuyển

 
Theo Ths.BS Trần Văn Triệu, ở một số trường hợp bệnh nhân có nhiều bệnh nội khoa kết hợp như: tăng huyết áp, rối loạn lipit máu, đái tháo đường… động mạch vành sẽ bị vôi hóa nặng là một trong những trường hợp khó đặt stent, thủ thuật viên không thể đưa dụng cụ qua được sang thương để tái thông lòng mạch.
Khi đó, việc ứng dụng kỹ thuật Rotablator trong can thiệp tim mạch sẽ làm tăng khả năng can thiệp cho các tổn thương vôi hóa nặng nề mà kỹ thuật can thiệp thông thường không thành công và giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí điều trị. Lợi ích của việc ứng dụng kĩ thuật Rotablator là tạo điều kiện thuận lợi để nong mạch và đảm bảo tỉ lệ đặt stent thành công cao nhất.
Đặc biệt, việc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ áp dụng thành công kỹ thuật trên cũng mở ra cơ hội điều trị tốt hơn cho bệnh nhân bị tắc mạch vành nặng, do các tổn thương vôi hóa ở khu vực ĐBSCL.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.