Hôm làm hồ sơ, Ất đã cẩn thận làm riêng một lá đơn kín chữ trên trang giấy A4 đánh máy kẹp vào hồ sơ, trình bày hoàn cảnh của mình là học sinh khiếm thị. Nhưng giấy báo thi không nhắc gì đến việc này. Nghe em trai đọc giấy báo thi trường gửi về, cậu học trò mù 22 tuổi này áy náy không yên. Chắc chắn ban tuyển sinh đã không nhận ra hồ sơ đặc biệt của mình.
Hai anh em Ất đã mò mẫm ra Hà Nội, tìm đến trường nơi đăng ký dự thi đại học nhưng không gặp được lãnh đạo. Ất tìm đến Bộ GD-ĐT nhờ được giúp đỡ. Bà Trần Thị Hà, Vụ trưởng Vụ Đại học và sau đại học, thông báo đây là lần đầu tiên một học sinh khiếm thị thi vào ĐH khối A. Sẽ rất khó khăn cho Ất và cho trường vì chắc chắn trường sẽ lúng túng trong việc tổ chức thi, nhưng bộ sẽ cố gắng chỉ đạo trường tạo điều kiện cho Ất dự thi năm nay. Hai anh em khấp khởi mừng thầm, hy vọng.
Ba năm trước, hành trình đi tìm "con đường sáng" của cậu học trò mù cũng trầy trật và gian truân không kém. Trường THPT nơi Ất học từng lúng túng không biết giải quyết ra sao trước đề nghị được thi tuyển lên bậc THPT của cậu học sinh mù. Ất gọi điện thoại ra Hội Người mù trung ương nhờ giúp đỡ. Được mách nước, một buổi sáng, Ất cùng anh trai (cũng bị mù) dắt díu nhau tìm vào Sở GD-ĐT để trình bày nguyện vọng. Lãnh đạo sở ngay sau đó chỉ đạo cho phòng và trường tạo điều kiện cho Ất thi. Và Ất đã đậu.
Nhiều người ái ngại nghĩ cậu học trò mù này làm sao có thể theo kịp chương trình đào tạo. Nhưng 3 năm học, Ất đã liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Cuối năm học 12, Ất làm cho cả trường THPT Quỳnh Lưu 1 bất ngờ khi giật giải nhì cuộc thi "Mơ ước của tôi" do Bộ GD-ĐT, Báo Thanh Niên, Bảo Việt nhân thọ đồng tổ chức, trao giải cuối tháng 5 vừa rồi. Bài viết bằng chữ nổi, Ất dịch ra cho em trai chép lại, đem thuê đánh máy rồi gửi. Không hoa mỹ, cầu kỳ, nhưng trong đó thể hiện khát vọng cháy bỏng của một thanh niên mù lòa, không chấp nhận với thực tại và khát khao vượt lên số phận. Cậu em út học cùng lớp, đã làm hồ sơ dự thi vào Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (ĐH Quốc gia Hà Nội). Nếu cùng đậu, cậu em trai sẽ tiếp tục đồng hành cùng anh.
15 triệu đồng tiền thưởng từ cuộc thi "Mơ ước của tôi" bất ngờ trở thành món tiền rất giá trị trong hoàn cảnh ngặt nghèo khi cả hai đứa con chuẩn bị thi vào đại học của đôi vợ chồng nghèo mưu sinh bằng 4 sào ruộng. Cậu học trò khiếm thị đầy bản lĩnh quả quyết: "Nếu điểm chuẩn như năm ngoái, em sẽ đậu!".
Khánh Hoan
Bình luận (0)