Đến Shark Tank Việt Nam tập 2 (mùa 7) gọi vốn, startup Đức Thành tiết lộ điều đặc biệt của dự án Kalotoys là cá nhân hóa sản phẩm, thời gian trung bình chỉ 1 - 3 ngày và chuyển trực tiếp đến tay khách hàng.
Vì có con trong cùng thời điểm, cùng đối mặt với vấn đề có ít thông tin để lựa chọn các món đồ chơi tốt, có tính giáo dục cho con, Lê Trung Anh và Đồng Đức Thành quyết định đi sâu vào phát triển các sản phẩm đồ chơi giáo dục. Và Kalotoys ra đời.
Hai nhà sáng lập khẳng định điểm mạnh của Kalotoys chính là phát triển sản phẩm. Công ty sở hữu đội ngũ khoảng 40 nhân sự bao gồm nghiên cứu thị trường để tìm hiểu xu hướng trong thời gian tới. Sản phẩm được bán theo hình thức D2C (direct to consumer – bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng) qua website công ty và các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Etsy. Cách tiếp thị của Kalotoys là làm viral content (nội dung có tính lan truyền) để hướng dẫn, truyền cảm hứng cho các phụ huynh và livestreaming thuyết phục người tiêu dùng thử trải nghiệm trước khi mua hàng.
Theo đó, đồ chơi được làm từ loại gỗ có họ thông, nhập khẩu từ đất nước có nhiệt độ âm như Nga, Ukraine, Siberia, Phần Lan… Loại gỗ này chứa một loại tinh dầu có thể chống mối mọt mà không cần tẩm ướp hóa chất.
Đồng Đức Thành cho biết: “Kalotoys đã đánh vào một điểm duy nhất, giải quyết vấn đề cho phụ huynh là chúng tôi thiết kế ra những bộ đồ chơi theo lứa tuổi và theo phương pháp giáo dục. Từ đó, phụ huynh có thể lựa chọn được đúng sản phẩm phù hợp với độ tuổi và sự phát triển của con mình”.
Vì vậy Trung Anh và Đức Thành startup mong muốn kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 10% cổ phần.
Shark Hưng đánh giá mô hình của Kalotoys thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên định hướng của ông không chỉ là nhà đầu tư tài chính thuần túy mà còn giúp đỡ startup ở nhiều phương diện khác. Nhận thấy bản thân không thể giúp startup làm tốt hơn những gì đang có, ông từ chối đầu tư.
Shark Phi Vân không có thế mạnh về thương mại điện tử nên cũng rời khỏi thương vụ này.
Tâm đắc với startup D2C tiềm năng, shark Bình ngay lập tức rút ra golden ticket (vé vàng) trị giá 100 triệu đồng để giành ưu thế đàm phán độc quyền. Muốn có được thương vụ đầu tư này, shark Minh Beta và shark Thái cũng lần lượt lấy vé vàng của mình ra.
Thương vụ gọi vốn dần bước vào giai đoạn kịch tính khi các shark liên tiếp nâng giá trị của tấm vé vàng, từ 150, 200, 210 triệu đồng, số tiền dần được nâng lên đến 1 tỉ, 2 tỉ, 3 tỉ đồng và cuối cùng dừng lại ở con số 5 tỉ đồng của shark Bình.
Trước sự quyết liệt của các shark, Đức Thành nhấn mạnh rằng “một đồng của các shark cũng rất là quý” nhưng bởi vì nhóm sáng lập muốn một tương lai xa hơn, tầm nhìn dài hơn nên quyết định từ chối nhận vé vàng của shark Bình để có cơ hội đàm phán thêm với các shark.
Shark Bình tiếp tục đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 15% cổ phần. Shark Thái thì đề nghị đầu tư 1 triệu USD cho 10%, giải ngân theo đợt tùy theo mục tiêu đạt được.
Cuối cùng, startup đề xuất cả hai shark cùng đầu tư với số tiền 1 triệu USD cho 10% cổ phần và nhanh chóng nhận được cái gật đầu của hai vị “cá mập”. Shark Minh Beta cam kết giúp gọi vốn 3 triệu USD nếu Kalotoys đạt doanh thu năm 2024 được 220 tỉ đồng.
Thương vụ gọi vốn khép lại thành công và Kalotoys có sự đồng hành của shark Minh Beta với shark Bình trên hành trình mở rộng thương trường.
Tập 2 Shark Tank Việt Nam mùa 7 còn chào đón sự xuất hiện của dịch vụ phục chế Bệnh viện Đồ da và Ứng dụng tư vấn với chuyên gia Askany.
Bệnh viện Đồ da gọi vốn mở cơ sở tại TP.HCM để hỗ trợ người yếu thế có công ăn việc làm ổn định được 4/5 shark bắt tay đầu tư, nhận giải ngân vé vàng 500 triệu đồng của shark Minh Beta.
Còn Nguyễn Đình Nghĩa – Founder & CEO của Askany, ứng dụng tư vấn cùng chuyên gia bỏ ra 27 tỉ đồng cho một “ứng dụng kết nối người dùng với chuyên gia tư vấn” nhưng đến nay vẫn chưa có lãi. Startup khiến hầu hết các “cá mập” thiếu hào hứng. Mặc dù chỉ nhận được một lời đề nghị từ shark Bình - hạ xuống còn 2 tỉ đồng cho 20% cổ phần, song startup Askany nhất quyết giữ vững lập trường, không chấp nhận nên thương vụ đàm phán bị... đổ vỡ.
Bình luận (0)