Ngày 8.5.1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng nói với Trưởng đoàn Pháp, Ngoại trưởng Georges Bidault: "Các ông nói Việt Minh là "những con ma". Hôm nay, "những con ma" ấy đứng trước các ông đây". Đó là lời mỉa mai lại của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng khiến Ngoại trưởng Georges Bidault cùng các thành viên phái đoàn nước Pháp ngượng ngùng.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chưa được quốc tế công nhận rộng rãi, trừ Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Để hạ bệ uy tín của chúng ta, Pháp gọi là "những bóng ma". Đoàn Việt Nam với 5 thành viên chủ chốt (Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Tạ Quang Bửu, Trần Công Tường, Hoàng Văn Hoan) đều là những con người bằng xương bằng thịt, những người vừa nhận tin chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" từ trong nước sang.
Lúc 16 giờ 30 chiều 8.5.1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc tại phòng V - Palais des Nations (khu phức hợp, nơi hội họp và trụ sở của nhiều tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc ở châu Âu). Chủ tọa là Ngoại trưởng Anthony Eden, Trưởng đoàn Vương quốc Anh. Khai mạc hội nghị, với kinh nghiệm gần 30 năm trên trường ngoại giao, Ngoại trưởng Eden chủ tọa phát biểu xong đã trao lời ngay cho Ngoại trưởng Bidault.
Luật sư Phan Anh viết trong nhật ký ngày 8.5.1954: "Bidault nói xong đến lượt đoàn ta, cả cử tọa chăm chú. Ai cũng đeo máy nghe vào để nghe. Anh Tô (tức Phạm Văn Đồng - PV) nói tiếng Việt (đế quốc tưởng ta nói tiếng Pháp), Hoàng Nguyên dịch ra tiếng Pháp. Thế là lần đầu tiên tiếng Việt Nam vang trong hội nghị quốc tế".
Tròn 70 năm sau hội nghị, những nhân chứng lịch sử của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ còn lại 2 người: ông Đoàn Đỗ và ông Nguyễn Lanh. Ông Đoàn Đỗ (sinh năm 1926) trong cuộc đời mình đã từng đảm nhận các công việc thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Viện phó rồi quyền Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương... Tham gia Hội nghị Geneva 1954, ông được phân công làm văn phòng, chuẩn bị tài liệu phục vụ hội nghị.
"Trong lịch sử ngoại giao, không có một nước nào đi hội nghị quốc tế lại ít người và khó khăn như Việt Nam", ông Đoàn Đỗ nói và kể thêm: "Phái đoàn Việt Nam gồm có 5 đồng chí, nhân viên giúp việc lúc bắt đầu lên đường cũng chỉ có 5 người. Một người là bác sĩ Lê Văn Chánh, một người là đại tá Hà Văn Lâu, đồng chí Việt Phương là thư ký của Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng và tôi với 1 đồng chí nữa chọn ở phái đoàn Việt Nam ở Đông Âu lo việc hậu cần. Công việc lúc bấy giờ rất khó khăn. Việc thì nhiều mà người thì ít cho nên mỗi người phải kiêm nhiều việc".
Theo ký ức của ông Đoàn Đỗ, trong các vòng đàm phán thì việc đấu trí rất căng thẳng, song Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã luôn luôn tìm cách chủ động trong mọi hoàn cảnh. Ông Đoàn Đỗ lấy ví dụ, tại phiên họp khai mạc hội nghị, Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng đã tự tay viết bài diễn văn mở đầu của Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành 3 bản dài ngắn khác nhau.
"Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng với một hội nghị lớn như thế có thể sẽ bị hạn chế thời gian phát biểu, viết 3 bài dài ngắn khác nhau để ứng phó nói đủ rõ được lập trường, tư tưởng của Việt Nam. Bài diễn văn của Việt Nam tuy ngắn nhưng được coi trọng", ông Đoàn Đỗ bình luận.
Nhà ngoại giao Hoàng Nguyên (1924 - 2007), thành viên tham gia tổ đàm phán quân sự, sau này trong hồi ức của mình (Hội nghị Genève 1954 về Đông Dương, NXB Công an Nhân dân, 2015) đã viết:
"Tôi khi đó là thư ký của Phái đoàn Việt Nam được Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cử tham gia tiểu ban quân sự, và tôi còn nhớ cuộc đàm phán về chuyển quân tập kết ở Việt Nam đã kéo dài suốt tối cho tới đêm mà vẫn chưa ngã ngũ. Tình hình rất khẩn trương vì đã tới 12 giờ đêm vẫn chưa thỏa thuận được với nhau. Ông Tạ Quang Bửu kiên quyết giữ vững vĩ tuyến 16, còn Pháp thì đòi vĩ tuyến 18 (…). Lúc đó thực sự đã 2 giờ sáng ngày 21. Sau cùng Pháp đưa ra bờ sông Bến Hải, gần sát vĩ tuyến 17. Thứ trưởng Tạ Quang Bửu phải ký điều khoản quân sự như vậy. Vậy là Hiệp nghị Geneva đã ký vào ngày 21, nhưng được công bố ngày 20.7.1954 để cho đúng với lời hứa của Thủ tướng Pháp".
Vì ngày 20.6.1954, Thủ tướng Mendès-France đã tuyên bố trước nhân dân Pháp sẽ hoàn thành đàm phán trong 30 ngày, nếu không thành công ông ta sẽ từ chức.
Là một trong 2 nhân chứng cuối cùng, ông Nguyễn Lanh (sinh năm 1932), nhân viên đánh máy của Phái đoàn Việt Nam tại Hội nghị Geneva 1954, cho biết khi đi phục vụ hội nghị, ông mới 22 tuổi. Ông nhớ lại một số kỷ niệm của cá nhân mình:
"Năm thành viên lãnh đạo đoàn ở biệt thự Le Cèdre ở Versoix, bên hồ Léman. Biệt thự này còn có tên gọi khác là Chateau de Versoix, có nhiều cây cối. Còn các nhân viên, tùy tùng phục vụ phái đoàn ở Hôtel d'Angleterre. Để săn đón tin tức, các nhà báo luôn sẵn sàng thường trực ở bên ngoài tòa nhà phái đoàn ta ở. Hồi đó chưa có ống kính tê-lê nên nhiều phóng viên trèo cả lên tường để chụp ảnh. Tôi còn nhớ, mỗi khi họp báo, nhiều anh em trong đoàn lại được huy động ra làm phục vụ viên.
Công việc của tôi tại Hội nghị Geneva là nhân viên đánh máy của bộ phận văn thư do anh Đoàn Đỗ phụ trách. Cuộc họp nào tôi cũng phải xách máy đến Hôtel d'Angleterre, ngồi trực ở đấy, nhiều khi phải thức cả đêm. Có lần các anh em ra về, bỏ quên tôi ở đấy".
Theo ông Nguyễn Lanh, có một số người sau này viết với ý kiến cá nhân cho rằng phái đoàn ta thụ động trong việc chuẩn bị nội dung đàm phán, điều đó không đúng.
"Chúng ta đã có sự chủ động để chuẩn bị cho hội nghị. Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng cùng 4 thành viên khác đã bàn bạc với nhau tìm mọi cách để đối phó với mọi khả năng, mọi diễn biến có thể xảy ra", ông Nguyễn Lanh chia sẻ.
Hội nghị Geneva về Đông Dương khai mạc ngày 8.5.1954, bế mạc ngày 21.7.1954, trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp rất căng thẳng, được chia làm 3 thời kỳ đàm phán.
Thời kỳ thứ nhất, từ ngày 8.5.1954 tới ngày 19.6.1954. Thời kỳ thứ hai, từ ngày 20.6.1954 tới ngày 10.7.1954, coi như hội nghị tạm nghỉ. Các trưởng đoàn về nước báo cáo, chỉ có các cuộc họp hẹp và các đoàn quân sự họp với nhau. Thời kỳ thứ ba, từ ngày 11.7.1954 đến khi kết thúc hội nghị 21.7.1954.
"Ngày 21.7.1954, Hiệp định Geneva được ký. Nói chung, cảm giác ở trong phái đoàn là nửa mừng và nửa lo. Mừng là vì đất nước đã có một vùng giải phóng rộng lớn làm căn cứ để có thể tiến lên kháng chiến lâu dài và chiến thắng. Lo là vì chắc chắn là Mỹ sẽ nhảy vào thay cho Pháp. Như thế cuộc chiến tranh sẽ kéo dài và rất ác liệt. Ký Hiệp định Geneva, sự thực ra, người tin 2 năm bầu cử là những người ở ngoài thôi, còn thành viên chủ chốt giúp việc trong Hội nghị Geneva thì không tin bởi vì Mỹ không dễ dàng gì chấp nhận đâu. Nhưng nếu không có Hội nghị Geneva thì không có chiến thắng năm 1975".
Ông Đoàn Đỗ, thành viên tham gia giúp việc cho Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954
Bình luận (0)