Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, chia sẻ thông tin này tại buổi họp báo công bố các hoạt động kỷ niệm ngày truyền thống Doanh nhân Việt Nam 13.10, tổ chức sáng nay 6.10, tại Hà Nội.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ tại họp báo về chuỗi các sự kiện diễn ra trong dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 |
Ông Phạm Tấn Công cho biết, hội thảo khoa học với chủ đề: Đạo đức doanh nhân và văn hóa kinh doanh Việt Nam trong bối cảnh mới, sẽ là một trong số các sự kiện quan trọng nhất trong dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 năm nay.
Đây cũng là lần đầu tiên, vấn đề đạo đức doanh nhân được VCCI chọn làm chủ đề hội thảo khoa học để các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện cộng đồng doanh nhân… cùng bàn thảo sâu sắc về vấn đề này.
Qua hội thảo khoa học này, VCCI sẽ cụ thể hóa tiêu chí cụ thể để nhận diện và đánh giá về đạo đức doanh nhân, dựa trên 6 quy tắc đạo đức doanh nhân đã công bố mới đây. Các quy tắc gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng và liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình.
Chia sẻ thêm về hội thảo này, bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký VCCI, cho biết xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh được Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ 7 xác định là đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nghị quyết 09/NQ-TW ngày 9.9.2011 của Bộ Chính trị và văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ xã hội.
Trong văn hóa kinh doanh có 3 tầng gắn với 3 chủ thể chính là: doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam cần bắt đầu xây dựng từ con người doanh nhân, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, dịp kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10 năm nay sẽ có hoạt động vinh danh: Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Trong số 211 hồ sơ đề cử gửi từ UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành T.Ư và các hiệp hội ngành nghề, VCCI chọn ra 60 doanh nhân tiêu biểu để vinh doanh. Đây cũng là năm đầu tiên, đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trở thành tiêu chí hàng đầu trong xem xét, bình chọn danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Các doanh nhân được vinh danh đều được rà soát kỹ trong thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, tuân thủ các quy định pháp luật, có chính sách đãi ngộ, chăm lo riêng cho người lao động… Trong năm nay, VCCI lần đầu lựa chọn TOP 10 doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất. Qua thống kê, TOP 10 doanh nhân này có doanh thu hàng năm trên 140.000 tỉ đồng, nộp thuế trên 25.000 tỉ đồng và giải quyết việc làm cho 94.000 lao động.
Dịp này, VCCI tổ chức vinh danh những doanh nhân có đóng góp tiêu biểu cho công tác phòng chống dịch Covid-19, trong đó có những doanh nhân cùng với doanh nghiệp của mình đã đóng góp trên 1.200 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch.
“Chúng tôi muốn hướng đến mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hóa kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nói.
Bình luận