Theo ông Thông, Phúc Sinh thành lập từ năm 2001 khi ngành tiêu Việt Nam còn rất "bé nhỏ". Khi đó, cả nước chỉ xuất khẩu được khoảng 60.000 tấn hạt tiêu và khi Phúc Sinh xuất sang thị trường Mỹ gặp phải rất nhiều vấn đề, đặc biệt về chất lượng. Điều đó giúp ban lãnh đạo công ty nhận ra rằng, một khi muốn bước chân ra thị trường thế giới, nếu không cải tiến chất lượng thì sẽ không đi tới đâu.
Chính vì thế, từ năm 2010, Phúc Sinh là 1 trong những công ty đầu tiên của Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững bắt đầu từ sản xuất hạt tiêu sạch, sau đó làm hạt tiêu tiệt trùng. Nhờ tuân thủ tuyệt đối tiêu chuẩn, Phúc Sinh thành công đưa hạt tiêu Việt Nam vào các thị trường khó tính hàng đầu như Mỹ, châu Âu và giờ đã có mặt tại 102 nước trên thế giới.
"Một đối tác Canada của tôi nhận xét, dù mới chỉ phát triển khoảng 20 năm nhưng ngành tiêu của Việt Nam đã đi khắp thế giới, hơn cả Indonesia hay Brazil đã có lịch sử hàng trăm năm phát triển ngành tiêu. Nhờ đâu mà chúng ta có được thành quả như vậy? Nhờ nhập thô rồi chế biến sâu và xuất khẩu. Một năm, Việt Nam nhập một lượng khổng lồ hạt tiêu của Brazil, chế biến sâu và tái xuất. Nhờ vậy, giá trị hạt tiêu xuất khẩu mới tăng lên, mang lại giá trị lớn cho người nông dân cũng như các doanh nghiệp như Phúc Sinh" - ông Thông lý giải.
Bên cạnh hạt tiêu, cà phê cũng là mặt hàng điển hình cho câu chuyện thành công xây dựng thương hiệu của Phúc Sinh. Tình cờ phát hiện một vùng trồng cà phê arabica lớn ở Sơn La, Phúc Sinh đã liên hệ với một công ty của Mỹ, mua toàn bộ máy móc ở Colombia và cùng các kỹ sư xây dựng nhà máy chế biến cà phê rất lớn ở đây. Cùng với sự hỗ trợ lớn từ lãnh đạo tỉnh, chỉ trong 8 tháng, công ty đã dựng xong nhà máy và mời rất nhiều khách hàng từ khắp nơi trên thế giới tới dự lễ khai trương, dự triển lãm, giới thiệu qua các video về một sản phẩm cà phê với chất lượng khác biệt.
"Sau khi xây dựng được thương hiệu Blue Sơn La, giá cà phê tươi ở đây từ 6.500 đồng/kg đã có thời điểm lên tới 15.000 đồng/kg, sản xuất được khoảng 400.000 tấn. Lãnh đạo tỉnh vui mừng chia sẻ lần đầu tiên, người nông dân Sơn La trong mùa dịch có tiền gửi tiết kiệm ngân hàng tới hàng ngàn tỉ đồng. Giá bán cà phê arabica của Sơn La cũng cao hơn rất nhiều các loại cà phê nội địa của Việt Nam hiện nay" - ông Thông dẫn chứng và khẳng định: Để biến các nguyên liệu thô thành sản phẩm chế biến có giá trị, tạo nên thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam, phải đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến sâu một cách bài bản và kiên định làm thương hiệu. Nếu chỉ đơn thuần mua đi bán lại sẽ không phát triển bền vững được.
Bình luận (0)