Theo Bộ Nội vụ Pháp, ông Macron giành chiến thắng trong vòng 2 của cuộc đua vào Điện Élysée với tỷ lệ phiếu bầu 66,1%, bỏ xa thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen (33,9%). Đây là vị trẻ nhất trong số tổng cộng 25 tổng thống của 5 nền cộng hòa Pháp. Ngày 14.5 tới, khi còn hơn 7 tháng nữa mới tròn 40 tuổi, ông Macron sẽ tiếp quản Điện Élysée từ Tổng thống François Hollande.
Trước hàng ngàn người ủng hộ tập trung ở quảng trường Caroussel trước Bảo tàng Louvre vào tối 7.5 (sáng 8.5, giờ VN), ông Macron mạnh mẽ tuyên bố: “Những gì chúng ta vừa làm được, trước đây mọi người đều nói là điều không thể. Nhưng họ đã không hiểu hết về nước Pháp!”. Câu nói này đã thể hiện trọn vẹn về chặng đường không tưởng của người sáng lập phong trào Tiến lên (EM). Ông đã phá vỡ hoàn toàn “công thức” để có thể trở thành nguyên thủ quốc gia tại Pháp là phải xuất thân từ các đảng phái truyền thống tả hoặc hữu; có kinh nghiệm lâu năm trên chính trường; nhiều năm làm bộ trưởng hoặc nghị sĩ...
Cách đây 10 năm, cấp trên khi đó của tổng thống đắc cử là chuyên gia kinh tế nổi tiếng Jacques Attali từng đánh giá cậu nhân viên trẻ tuổi có tiềm năng và độ nhạy bén để một ngày nào đó bước lên đỉnh cao quyền lực tại Pháp. Có thể thấy, “nhạy bén” chính là một trong những chìa khóa để ông Macron làm nên lịch sử. Từng làm việc cho hội đồng kinh tế dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy (cánh hữu), sau đó làm cố vấn, rồi Phó tổng thư ký Điện Élysée và bộ trưởng kinh tế trong nội các François Hollande (cánh tả), ông Macron đã nhận ra đầu tàu của nước Pháp ít nhiều trì trệ vì quá bám víu vào những truyền thống chính trị. Đất nước thật sự cần một làn gió mới.
Lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen cũng muốn tạo sự thay đổi nhưng lại là những thay đổi vô cùng cực đoan như đóng chặt cửa, quay lưng lại với thế giới, với EU. Ngược lại, ông Macron ủng hộ nhiệt thành cho liên minh khu vực và xem toàn cầu hóa là cơ hội cho đất nước với điều kiện Pháp phải tự tích cực chuyển biến để phù hợp với dòng chảy của thế giới hiện đại.
Giáo sư Gilles Richard của Đại học Rennes II, chuyên gia hàng đầu về lịch sử chính trị Pháp, nhận định với Thanh Niên: “Với quan điểm không tả cũng chẳng hữu, ông Macron nhắm vào sự ủng hộ từ những thành viên có quan điểm tiến bộ trong các đảng truyền thống. Ngoài ra, là một người rất trẻ, ông cũng hướng vào giới trẻ của những thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille, Toulouse, Nantes… Đây là thế hệ không ngại vươn ra và khám phá thế giới”.
Theo Giáo sư Richard, sau chiến thắng của ông Macron, các đảng truyền thống của Pháp sẽ có sự xáo trộn lớn khi nhiều thành viên bỏ sang EM. Hôm qua, tổng thống đắc cử đã kêu gọi người ủng hộ tiếp tục đồng hành để xây dựng “lực lượng cầm quyền mạnh” sau cuộc bầu cử hạ viện vào tháng 6 tới.
Ông Macron đã thành tổng thống và phong trào chính trị của ông giờ đây đã được xem là một đảng thật sự, sẵn sàng đương đầu với những thách thức và trách nhiệm nặng nề trong 5 năm tới.
Ngày 7.5, tỷ lệ không đi bầu (25,38%) và bỏ phiếu trắng (hơn 4 triệu phiếu) là mức cao nhất kể từ năm 1969. Điều này cho thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ người Pháp chưa ủng hộ ông Macron. Chưa kể, không ít cử tri bỏ phiếu cho đại diện của EM trên thực tế là chỉ nhằm chống phe cực hữu.
Ngoài ra, tuy thua nhưng với hơn 10 triệu phiếu bầu, bà Le Pen đã có một kỳ bầu cử thành công. Hơn ai hết, vị tổng thống đắc cử hiểu rằng ông phải hàn gắn một nước Pháp đang có nhiều chia rẽ và đáp ứng được niềm hy vọng mà cử tri gửi gắm vào ông. Nếu không, hãy dè chừng đảng Mặt trận dân tộc của bà Le Pen vào năm 2022!
Bình luận (0)