(Tin Nóng) Máy bay trinh sát bay nhanh nhất thế giới SR-71 của Mỹ từng phải hạ cánh khẩn cấp xuống Na Uy khi đang bay do thám Liên Xô hồi năm 1981 do trục trặc kỹ thuật, và đây là một trong những sự cố của dòng máy bay này.
Phi công BC Thomas và sĩ quan Jay Reid cùng xấp báo của Na Uy viết về vụ máy bay SR-71 hạ cánh xuống Bodø, ngày 15.8.1981 - Ảnh: BC Thomas/FoxtrotAlpha |
Theo Foxtrot Alpha ngày 17.3, vụ hạ cánh bất ngờ này của SR-71 ở Na Uy diễn ra ngày 13.8.1981, và nay được một trong hai phi công kể lại vụ việc gây chấn động một thời này.
Thời đỉnh điểm của Chiến tranh lạnh, Không lực Mỹ thường dùng máy bay trinh sát SR-71 bay do thám Liên Xô và các nước XHCN. Đây là loại máy bay có tốc độ nhanh nhất thế giới: hơn 3.500 km/giờ, bay cao hơn 24 km, thân máy bay bằng vật liệu đặc biệt, phi công phải mặc bộ quần áo như của phi hành gia.
Theo lời kể của phi công BC Thomas, trung tá không quân, người lái chiếc SR-71 số hiệu 964 thuộc Không đoàn trinh sát chiến lược số 9 ở căn cứ Beale, California, các máy bay SR-71 lúc đó thường bay trinh sát (chụp ảnh, thu tín hiệu liên lạc) căn cứ hải quân của Liên Xô ở Murmansk, trên bán đảo Kola ở biển Barents gần Bắc Cực. Máy bay Mỹ cất cánh từ California bay sang trinh sát rồi quay về Mỹ, mỗi chuyến như vậy mất cỡ 10,5 giờ.
Lúc 21 giờ 47 tối 12.8.1981, Thomas và sĩ quan điều khiển hệ thống nghe lén Jay Reid cho máy bay SR-71 số hiệu 964 cất cánh từ căn cứ Beale, bay sang trinh sát căn cứ hải quân Liên Xô ở Murmansk, nơi được hệ thống phòng không bảo vệ nghiêm nhặt.
Máy bay được tiếp dầu 3 lần trên đường đi, lần cuối là trên Biển Bắc, phía đông bắc Scotland.
Máy bay này băng qua Na Uy, Phần Lan rồi đến biển Barents, ngoặc 1 góc 90 độ về hướng Murmansk với tốc độ hơn 3.500 km/giờ, cách bờ biển của Liên Xô 12,5 hải lý. Lúc đó Liên Xô tuyên bố vùng biển chủ quyền là từ bờ biển ra hơn 100 hải lý, còn Mỹ chỉ công nhận là 12 hải lý và từ mốc này trở ra là vùng biển quốc tế.
Sau khi bay chụp ảnh và thu thập thông tin tín hiệu vô tuyến và radar của Liên Xô, chiếc SR-71 theo dự kiến sẽ bay ra Biển Bắc để được tiếp nhiên liệu và bay thẳng về Mỹ (thêm 1 lần tiếp nhiên liệu trên không ở gần Vịnh Goose), hoàn tất hành trình 10,5 giờ.
SR-71 là máy bay trinh sát bay nhanh nhất và cao nhất thế giới, do Lockheed Martin chế tạo |
Bản đồ căn cứ Murmansk của Liên Xô và căn cứ Bodø của Na Uy |
Tuy nhiên khi đang bay ra Biển Bắc và chuẩn bị được tiếp nhiên liệu trên không, phi công Thomas thấy đèn báo động bật sáng, sĩ quan Reid phát hiện động cơ bên trái bị trục trặc và dầu đặc biệt của động cơ này đang tụt xuống mức báo động. Máy bay không thể tiếp nhiên liệu trong tình trạng chỉ còn 1 động cơ, và phi công phải tính đến việc hạ cánh khẩn xuống sân bay gần nhất. Đó là sân bay hỗn hợp quân sự và dân sự Bodø của Na Uy, cách chiếc SR-71 chừng 100 km.
Phi công Thomas liên lạc với Không lưu sân bay, xin hạ cánh khẩn nhưng giấu việc đây là máy bay trinh sát tuyệt mật SR-71, chỉ nói chung chung là máy bay chiến thuật của Không quân Mỹ. Không lưu phía Na Uy yêu cầu nói loại máy bay cụ thể, phi công Mỹ không giải thích thêm và báo rằng đang hạ cánh, dù đã bung để hãm tốc và yêu cầu có khu đậu đặc biệt cho máy bay quân sự.
Chiếc SR-71 hạ cánh xuống sân bay Bodø lúc 13 giờ 12 chiều 13.8.1981 sau khi bay được 6,4 giờ từ khi cất cánh ở California. Không lưu tại đây chẳng khó khăn gì trong việc nhận ra loại máy bay vừa hạ cánh, và thông tin này sau đó báo chí địa phương cũng biết.
Tại sân bay, phi công Mỹ được chỉ huy căn cứ là chuẩn tướng Olav Aamoth đón. Ông ta chỉ hỏi phía Mỹ cần gì và được yêu cầu canh gác cẩn mật chiếc máy bay để chờ sửa chữa. Ông cũng cho hai phi công Mỹ gọi điện từ sở chỉ huy - nằm trong một hang núi - báo về căn cứ Beale biết mọi chuyện.
Tướng Aamoth đưa 1 phi công Na Uy là trung uý Roar Strand làm liên lạc viên với 2 phi công Mỹ, đưa họ đi ăn uống, dạo chơi và lo chỗ ngủ cho 3-4 ngày. Roar Strand dắt hai phi công Mỹ về nhà giới thiệu cô bạn gái, rồi đưa đi ăn tối và thu xếp chỗ ngủ cho họ.
Sáng ra, khi đưa đi ăn điểm tâm, 2 phi công Mỹ không thể ăn được bữa sáng chỉ toàn món xúp cá, và may cho họ là căn cứ này còn có bột ngũ cốc và cà phê Espresso.
Phi công BC Thomas, phi công Na Uy Roar Strand và sĩ quan Jay Reid bên chiếc SR-71 ở Bodø |
Còn tướng Aamoth chẳng đả động gì đến phi vụ của máy bay SR-71. Tuy nhiên báo chí Na Uy lại đưa tin ầm ĩ về việc máy bay do thám SR-71 của Mỹ hạ cánh xuống Bodø, và sau đó báo chí Mỹ cũng vậy. Báo chí Na Uy còn đăng ảnh minh hoạ và nói đây là chiếc máy bay trinh sát bay nhanh nhất và cao nhất thế giới.
Đến ngày 15.8.1981, tốp chuyên viên của căn cứ Beale và của hãng chế tạo máy bay Lockheed từ Mỹ bay sang, bắt tay sửa chữa chiếc SR-71. Để đảm bảo bí mật, nhóm người Mỹ mặc đồ dân sự, nhưng tướng Aamoth yêu cầu họ phải mặc quân phục và mệnh lệnh được thi hành.
Chiều 16.8.1981, chiếc SR-71 cất cánh bay sang Anh, tuy nhiên lần khởi động động cơ đầu tiên không thành công khi tốc độ vòng quay không đạt yêu cầu. Đến lần thứ hai mới tạm ổn và máy bay cất cánh lúc 13 giờ 42 chiều 16.8.1981, bay sang căn cứ Mildenhall của Không quân Anh.
Tại đây, phi hành đoàn SR-71 được lệnh chưa bay về Mỹ mà ở lại tiếp tục bay trinh sát Đông Âu và Liên Xô do ở Ba Lan đang diễn ra cuộc đình công của công nhân công đoàn Đoàn kết (từ ngày 7.8.1981). Có thêm 4 phi công Mỹ được đưa sang để luân phiên bay trên chiếc máy bay này.
Đến ngày 2.9.1981, chiếc SR-71 mới bay về lại căn cứ Beale. Như vậy phi vụ của trung tá Thomas lẽ ra chỉ 10,5 giờ như thường lệ thì lần này kéo dài 21 ngày.
Tướng Olav Aamoth |
SR-71 rời căn cứ Bodø ngày 16.8.1981 |
Ba năm sau, ngày 5.4.1984, chiếc máy bay SR-71 số hiệu 974 do trung tá Thomas và sĩ quan phụ trách do thám John Morgan lại có chuyến đáp khẩn cấp thứ hai xuống Bodø. Lần này họ cũng gặp lại tướng Aamoth nhưng nay ông đã lên thiếu tướng và là tư lệnh Lực lượng không quân chiến thuật phương Bắc. Phi công Thomas đã phải nói với ông Aamoth rằng mình không cố ý để đáp xuống đây lần thứ hai!
Sau này khi đã nghỉ hưu, Thomas liên lạc với tướng Aamoth và lúc đó ông cũng nghỉ hưu sau khi làm Tư lệnh Không quân Na Uy từ 1985 - 1991. Ông Thomas hỏi ông Aamoth vì sao không quan tâm hỏi han nhiệm vụ của chuyến bay SR-71 lần đầu cũng như yêu cầu người Mỹ phải mặc quân phục.
Tướng Aamoth cho biết, vào ngày 1.5.1960 khi ông đang là trung uý phi công ở Bodø, hôm đó xảy ra vụ máy bay trinh sát U-2 của CIA Mỹ do phi công Francis Gary Powers lái bị bắn rơi ở Liên Xô khi đang bay trinh sát. Máy bay của Powers cất cánh từ Pakistan, bay trinh sát Liên Xô và dự định hạ cánh ở Bodø. Tuy nhiên việc này chỉ tư lệnh căn cứ Bodø biết mà không báo cho Thủ tướng lẫn Tư lệnh không quân Na Uy. Vụ việc thêm trầm trọng khi Thủ tướng Liên Xô lúc đó là ông Nikita Khrushchev nổi nóng doạ sẽ dội bom nguyên tử xuống Bodø vì đã hợp tác với Mỹ trong vụ máy bay U-2. Kết quả là tư lệnh căn cứ của Na Uy bị sa thải.
Tướng Aamoth cũng tiết lộ khi máy bay SR-71 của Mỹ hạ cánh khẩn xuống căn cứ, ông đang ngồi trong văn phòng và nhận điện thoại của Không lưu sân bay nhờ xem chiếc máy bay đang hạ cánh và đòi được vào khu quân sự là loại gì. Từ cửa sổ nhìn ra, ông biết ngay đó là SR-71 và trả lời cho không lưu rõ.
SR-71 số hiệu 964 tại căn cứ Mildenhall, Anh ngày 16.8.1981 |
Chiếc SR-71 số hiệu 974 lần hạ cánh khẩn xuống Bodø ngày 5.4.1984. Chiếc này sau đó rơi trên Biển Philippines năm 1989 |
Sau này chiếc SR-71 số hiệu 964 (đáp xuống Bodø lần đầu) được đưa vào Bảo tàng không gian và không quân chiến lược gần Omaha, bang Nebraska.
Còn số phận chiếc SR-71 số hiệu 974 xui xẻo hơn. Đây là chiếc SR-71 đầu tiên từng bay trinh sát miền bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Vào ngày 21.4.1989 khi đang bay trên Biển Philippines thì máy bay bị nổ động cơ trái, mất điều khiển, hai phi công Dan House và Blair Bozek nhảy dù và sau đó được ngư dân Philippines cứu. Đây cũng là chiếc SR-71 cuối cùng bị rơi.
Ngày 10.5.1989, hải quân và không quân Mỹ đã trục vớt được xác máy bay ở độ sâu hơn 60 m, đưa về Okinawa.
Bình luận (0)