Lẫn lộn giữa ngoại ngữ và ngôn ngữ thứ hai?

25/08/2016 10:00 GMT+7

Theo các nhà chuyên môn, có thể khi đặt ra mục tiêu này, Bộ GD-ĐT còn lẫn lộn giữa ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, cho biết: “Ngôn ngữ thứ hai là người học có khả năng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ đó trong môi trường học tập, làm việc và sinh sống bình thường chứ không chỉ trong lớp học. Bước ra khỏi trường lớp, người học vẫn nghe thấy và sử dụng ngôn ngữ đó. Còn ngoại ngữ chỉ nghe thấy trong môi trường lớp học hoặc rộng hơn là trường học”. Ngoài ra, phải có ít nhất 1/4 số người sinh sống trong cộng đồng có khả năng sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Khi đó, những người còn lại sinh sống trong cộng đồng này bắt buộc phải sử dụng thứ tiếng đó để giao tiếp thì ngôn ngữ này mới đủ điều kiện để phát triển thành ngôn ngữ thứ hai.

Theo tiến sĩ Phạm Nguyễn Huy Hoàng, Khoa Tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, phạm vi sử dụng của một ngoại ngữ thông thường trong giao tiếp với người nước ngoài, đọc, nghe hiểu các văn bản sử dụng ngoại ngữ đó, hiếm khi được sử dụng trong các lĩnh vực giáo dục, kinh doanh, quản lý hành chính… Còn ngôn ngữ thứ hai lại được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, không giới hạn trong trường lớp hoặc giao tiếp với người nước ngoài. Ông Hoàng cũng nói, điều kiện tiên quyết để đưa một ngôn ngữ trở thành ngôn ngữ thứ hai là khi đó, đa số người Việt phải dùng tiếng Anh để giao tiếp trong trường lớp, công sở, cửa hàng, công ty… thay vì dùng tiếng Việt.
Với những điều kiện như vậy, bà Phương Anh nhận định: “Xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai là hướng đi tốt nhưng không dễ thực hiện. Mục tiêu này là quá tham vọng trong điều kiện hiện tại”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.