TNO

Lan man chuyện... bánh trung thu

10/09/2013 05:47 GMT+7

Còn vài tuần nữa mới đến ngày tết Trung thu - tết của thiếu nhi chúng ta, nhưng bánh trung thu đã được bày bán tràn lan khắp phố phường. Giữa nắng mưa gió bụi, chiếc bánh ấy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, tạo ra những cái nhìn đầy tranh cãi. Vậy tôi xin góp nhặt một thiên lộn xộn những ý kiến nói về nó để bạn đọc xem chơi.

Còn vài tuần nữa mới đến ngày tết Trung thu - tết của thiếu nhi chúng ta, nhưng bánh trung thu đã được bày bán tràn lan khắp phố phường. Giữa nắng mưa gió bụi, chiếc bánh ấy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, tạo ra những cái nhìn đầy tranh cãi. Vậy tôi xin góp nhặt một thiên lộn xộn những ý kiến nói về nó để bạn đọc xem chơi.

>> Lung linh phố lồng đèn mùa Trung thu
>> Rằm tháng 7 nhớ về sự tích chiếc bánh ít

Chuyện rằng, Thượng Hải là một thành phố thương nghiệp lớn nổi tiếng ở Trung Quốc. Khoảng đầu tháng 7 dương lịch năm nay, người ta đã bày bán bánh trung thu. Hình dáng, tướng mạo, bao bì các chiếc bánh đều bắt mắt; tưởng không có chi để cà riềng cà tỏi. Duy chỉ có cục nhưn bánh ở trong thì lại có vấn đề. Ấy là họ dùng những cục nhưn bánh của… hai năm trước, được trữ đông lạnh trở lại, để làm ra những chiếc bánh mới. Bạn thử tưởng tượng cục đậu xanh có lẫn hột gà muối, vi cá, bào ngư, gà quay xé nhỏ… được giữ gìn hai năm – dù là bảo quản bằng đông lạnh công nghiệp, thì có thể nào được gọi là nhưn bánh mới hay không? Người ta chỉ có thể nói đó là tình trạng “bình mới rượu cũ”.

Chí lớn gặp nhau trong… đường hẻm nhỏ. Ở thành phố ta, những chiếc bánh trung đã được bày bán trong những quầy bánh xây dựng vội trên đường phố từ hai tháng qua rồi. Những quầy bánh ấy chưng ra bảng của những thương hiệu bánh nổi tiếng mà nhiều người đều biết. Tuy vậy khi đi vào một quầy bánh, hỏi mua chiếc bánh của chính công ty, người bán bảo… không có hoặc vừa hết hàng. Họ xoay sang giới thiệu, tiếp thị những chiếc bánh của hiệu khác với điệp khúc nghe rất dễ xiêu lòng “Mua một tặng một”. Trời ạ, mới vào đầu mùa bánh, đã có tình trạng thơm thảo mua một tặng một rồi, cứ y như là bánh cũ, bánh ế còn lại sau rằm Trung thu. Hóa ra, họ bán những chiếc bánh cũ từ… năm ngoái còn lại, nghĩa là cũ hơn thứ cũ nữa. Cái này kêu bằng là “bình cũ rượu cũ”.

Lan man chuyện... bánh trung thu 5
Còn rất nhiều chuyện để nói bên chiếc bánh Trung thu thân thương

Hai phương trời cách biệt, bên Tàu khác với bên ta mà “tư duy thương mại” gặp nhau trong chiếc bánh cũ. Không biết có bao nhiêu ông Tào Tháo vi khuẩn, vi trùng ẩn nấp trong những chiếc bánh và những cục nhưn bánh cũ ấy. Chỉ tội nghiệp cho những trẻ em con nhà nghèo của chúng ta. Các cháu xơi nhằm những loại bánh này thì thật là tai hại.

Hơn bốn mươi năm trước, tôi là một anh sinh viên quê mùa từ miền Trung vào Chợ Lớn thuê gác ở trọ để đi học. Cạnh nhà tôi trọ là một xưởng làm bánh trung thu. Nói chữ xưởng là nói cho oai chứ thực sự ra đó là một mái tôn che sau bếp, trống huơ trống hoác. Đêm nào, xưởng cũng “bào chế” bánh. Những chảo nước đường đặc sệt, thỉnh thoảng có gián và thằn lằn tử vong. Những chiếc thau nhôm đựng đầy đậu xanh, lạp xưởng, bào ngư, vi cá, hột dưa. Những khuôn ép bánh cũ rích từ thời Tần Thủy Hoàng mới về đóng đô ở Hàm Dương. Những bao bột mì trắng vương vãi…

Tháng 8, trời Sài Gòn nóng nực do bị hạn bà chằn. Những anh thợ cởi trần trùng trục, mồ hôi nhễ nhại đầy người, tay không làm bánh, thỉnh thoảng có khạc nhổ và… gãi nách. Nhìn họ bốc mỗi thứ một ít, nhào thành cục nhưn rồi cán bột mì làm áo, cho hết cái cục tròn tròn đó vào khuôn ép ra cái bánh vuông vức đút vào lò nướng, tôi không khỏi rùng mình kinh sợ. Hóa ra chiếc bánh trung thu danh tiếng được làm thủ công dơ hầy như vậy. Từ đó về sau, tôi thề sẽ không ăn cái bánh trung thu.

Ghét của nào, trời trao của đó. Trung thu một năm nọ sau thời đổi mới, tôi làm một chức nhỏ trong một cơ quan. Có lẽ thời vận hanh thông, ngũ cốc phong đăng, lòng người phấn khởi hay sao đó mà năm ấy bà con mang bánh trung thu cho tôi nườm nượp. Vốn tính tiếu lâm, tôi định chưng tấm bảng “Tại đây không nhận bánh trung thu” nhưng vợ con tôi can; sợ đề bảng vậy quần chúng hiểu nhầm, tưởng mình đòi thứ khác. Vậy là đành đau lòng mà nhận bánh biếu tặng tới mấy chục hộp, xanh xanh đỏ đỏ đến con thỏ cũng mê.

Bụng dạ đâu mà ăn hết chừng đó bánh? Ba thằng con ăn một hộp, đành ngán ngược. Tôi nảy ra sáng kiến ngu dốt, định lập cửa hàng nhỏ bán lại bánh trung thu. Tuy nhiên làm vậy thì kỳ quá; người quân tử không ai lấy bánh biếu làm hàng hóa. Bèn phải đem bánh đi tặng hàng xóm láng giềng. Mà phải tặng cho hết trước ngày Trung thu; bởi tặng đúng vào rằm hay sau đó thì người ta lại chửi, tưởng mình tặng bánh ế. Vậy mới biết nhận nhiều quà bằng bánh trung thu thật khổ lòng, khó xử.

Mùa thu năm sau đó, tôi nộp đơn xin về làm Báo Thanh Niên. Có câu hát làm chứng như vầy: “Mùa thu năm đó, tôi về với tờ Thanh Niên/ Nghe lòng sướng tợ như tiên/ Hết rồi, bánh tặng trung thu/ Bầy con ngơ ngác, hỏi hoài bánh ở đâu cha?/ Tôi rằng chúng mày ham ăn/ Mai này ông mua nó về”. Thế nhưng, tôi không phải mua. Công đoàn Báo Thanh Niên cử người xuống một hiệu bánh nổi tiếng ở quận 1, mua về tặng mỗi anh chị em trong cơ quan một hộp bánh mới ra lò. Tôi an tâm ăn mấy miếng. Cũng có thể gọi là mùa Trung thu vui vẻ vậy.

Cuộc sống tiến lên chính quy hiện đại, kinh tế gia đình phát triển, nhu cầu tiêu thụ của con người ngày càng cao. Các cơ quan chức năng đề ra và thực hiện chủ trương vệ sinh an toàn thực phẩm. Thế nhưng, thực phẩm có chất độc hại cũng ngày càng phát triển. Hết heo siêu nạc tới thịt lòng bẩn, giá có chất kích thích, cá tầm nhập lậu, xúc xích quá date, trái cây nhập lậu đầy chất bảo quản, bún phở tinopal. Báo chí đi trước phát hiện, cơ quan chức năng kiểm nghiệm rồi xử lý… Một cái bao tử của con người mà phải chịu bấy nhiêu chất độc hại ấy tuồn vào và lưu cữu trong máu; thật không dễ gì đỡ nổi. Cho hay, trong bốn giai đoạn sinh lão bệnh tử thì chữ “sinh” đã muốn rung rinh, không có thể đứng vững được rồi.

Trở lại với cái bánh trung thu. Giữa mùa thu, con em chúng ta nhập học, có một tết Trung thu vui cho các cháu, có một miếng bánh ngon, giàu chất dinh dưỡng để ăn mừng năm học mới là điều rất phải đạo. Nhiều tổ chức chính quyền, đoàn thể, hội đoàn, tôn giáo, nhà trường đã, đang và sẽ chăm lo tổ chức lễ Trung thu cho các cháu. Truyền thống ấy quả thật đẹp, xứng đáng giữ gìn và phát huy. Những chiếc bánh trung thu có thương hiệu nổi tiếng được mọi người ưa chuộng và tin dùng.

Chúng ta chỉ mong các công ty, đơn vị, cơ sở sản xuất bánh trung thu khác nên đặt uy tín sản phẩm mình lên hàng đầu, lấy chất lượng làm tiêu chuẩn để cạnh tranh. Quý vị không thể lấy… bánh ế năm ngoái ra để bán một tặng một. Quý vị cũng không nên lấy mỡ cũ, bột cũ, lạp xưởng quá date ra để làm những chiếc bánh mới. Quý vị không nên nhái thương hiệu của những hiệu bánh uy tín để bán sản phẩm của mình làm ra, làm tổn thương uy tín kinh doanh của họ. Bánh quý vị làm ra nhất thiết phải ghi rõ địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất và thời hạn dùng. Chỉ có cách làm như vậy thì quý vị mới sản xuất và kinh doanh được bền lâu. Thay mặt các cháu thiếu nhi, tôi xin… hôn hít và cám ơn quý vị!

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.