Lan man... tàn Tết: Tụi nó về ít bữa rồi kéo nhau vào Nam hết

07/02/2022 12:02 GMT+7

Thử hỏi có cái gì không tàn? Nhưng đặt trong quy luật hợp tan, tan hợp thì Tết tàn có gì mà phải lăn tăn? Đợi đi! Năm tháng thoi đưa. Qua sáu tháng nắng, sáu tháng mưa là lại Tết.

“Lũ nó về ít bữa rồi kéo nhau đi hết”

Nói vậy chớ cũng có chút bâng khuâng, có chút buồn man mác. Đang sum vầy, vui vẻ, ấm áp mấy ngày Tết, giờ thấy người thân, bạn bè lục đục chuẩn bị xách ba lô lên..., lòng không khỏi bùi ngùi.

Thành ngữ có câu: “Ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Phía sau mấy chữ ngắn ngủi đó là một nỗi buồn dài. Bước ra khỏi Tết, lại “Đưa người ta không đưa sang sông/ Sao có tiếng sóng ở trong lòng” (Thâm Tâm). Những khoảng trống người đi để lại tạo nên ít nhiều hụt hẫng. Đất trống có thể gieo lên đó những mầm xanh dịu mát. Nhưng lòng người trống vắng kể cũng khó nguôi ngoai.

Những khoảng trống người đi để lại tạo nên ít nhiều hụt hẫng

trần cao duyên

Làng “trẻ hóa”, nhộn nhịp vì tăng khoảng nghìn người trước và trong Tết. Bây giờ cũng chừng ấy người lên đường vô Nam. Hầu như nhà nào cũng trống ít nhất một người. Khu vườn vắng những nhát cuốc của mấy đứa trẻ. Trước sân im bặt tiếng nô đùa của cháu nội, cháu ngoại.

“Lũ nó về ít bữa rồi kéo nhau đi hết”, mẹ nói - ánh mắt buồn ngẩn buồn ngơ. Xuân Diệu “phán” rồi mà: “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”. Rồi cũng quen với những khoảng trống ấy nhưng phải hết tháng giêng, khi mà công việc cuốn người ta ra đồng, hút người ta lên non, kéo người ta xuống biển.

Tết tàn nhưng còn cả tháng giêng: Đúng và không đúng

Mấy ông hưu làng ngồi cà phê hiên nhà ông bạn, tán: “Tết qua để lại nỗi buồn/Nhưng còn tết cũng hết “nguồn” chơi xuân”.

“Nguồn” ở đây là tiền. Cả một cái tháng chạp, từ quê tới phố, đâu đâu cũng nghe câu “ráng cày kiếm tiền tiêu Tết”. Tết to, tết nhỏ hay tết nghèo là tùy vào năng lực kiếm tiền của mỗi người. Có ông ngoài miệng nói tết hả, biết đủ là đủ. Suy nghĩ chi cho mệt óc. Sang thì mai, đào. Nghèo thì chậu vạn thọ để ngoài hiên là có tết. Còn ăn uống, nhiều tiền thì chả giò chả lụa, “yếu đạn” thì củ kiệu dưa hành. Việc gì phải ngó người sang ăn tết rồi thấy mình... hổng giống ai.

Nhưng rất tiếc đó là lý thuyết. Mình không ngó, không so sánh với ai nhưng vợ thì ngó, thì so sánh: “Nghĩ sao nhà người ta mai, đào, lay ơn, thanh liễu, hướng dương. Còn ông thì nơ về chậu vạn thọ bông chút xíu, màu tối thui”. Thấy chưa? Đau đầu liền. Tâm chồng không thể tĩnh khi tâm vợ đang động. Mà chắc gì chồng tĩnh? Có khi chồng vờ tĩnh để che đậy cái bất tài, cái không giỏi lăn lộn kiếm tiền thôi.

Nấu bánh chưng ngày tết

trần cao duyên

Có người nói tết tàn nhưng còn cả tháng giêng. Rồi viện dẫn: “Tháng giêng là tháng ăn chơi”. Đúng mà không đúng. Câu này của nhà nông. Họ nói vậy vì việc cày bừa cấy hái đã xong trước tết nên tháng giêng của họ tương đối nhàn nhã. Ngành nghề khác bắt chước họ có mà đói dài.

Cà phê, trà đá tháng giêng hay bàn tới năng lượng mùa xuân. Mấy ông bạn nhà mình khuyên nhau: Ngồi đó mà tự dằn vặt về gia cảnh thiếu thốn thì cuối cùng vẫn hoàn thiếu thốn. Nghĩ rằng nay mai cuộc sống của mình sẽ ổn định, để quyết tâm bươn chải làm ăn với người ta thì thế nào sự gắng gỏi của mình cũng được đền đáp.

Cái này kêu là Law of Attraction (Luật vạn vật hấp dẫn). Mình phát vào vũ trụ nguồn năng lượng nào thì sẽ nhận về y chang nguồn năng lượng đó. Người Việt mình có câu thành ngữ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, “gieo gió gặt bão”, “ghét của nào trời trao của đó”... là những biểu hiện sinh động của cái luật nói trên.

Lại xách ba lô từ giã gia đình

Những câu chuyện lan man thời điểm tết tàn thì nhiều. Có vài chuyện rất cảm động.

Chiều mùng 4 tết. Thằng con mang ba lô lên đường vô Sài Gòn. Nó làm việc cho một công ty vận chuyển hàng hóa. Nó đã lên xe. Xe vừa nhích bánh thì bà già chân thấp chân cao chạy theo, thất thanh kêu: “Xe ơi ngừng lại! Con ơi! Con bỏ quên túm bánh quê nè”. Nhiều khách đập thùng xe la lên. Người dưới đường cũng la lên. Thằng con nhận túm bánh của mẹ từ bậc cửa xe. Mẹ con nhìn nhau qua màn nước mắt.

Xe đi rồi, người mẹ phân bua với những người đi tiễn: Cái thằng! Nó dại lắm. Về bữa 27 tết rồi cứ tụ tập bạn bè, ngủ lang suốt. Chỉ có hôm qua với bữa nay nó mới chịu ở nhà. Hết ngủ lại dậy lục đồ ăn. Tôi nghĩ, có lẽ trên xe, cậu ta hối hận lắm khi để mấy ngày Tết vụt qua mà không dành trọn vẹn thời gian cho mẹ.

Cầu mong một năm mới bình an

trần cao duyên

Chiều mùng 5 Tết. Lúc con trai ông bạn xách ba lô lên, nói lời từ giã gia đình, nhập trường đại học, bạn dúi cho cọc tiền 15 triệu đồng. Thằng con ngẩn ngơ. Mấy chiều trước tết ba đi đâu về, lắc đầu nói với mẹ là “thua rồi em ơi, mượn khắp nội ngoại mà ai cũng lắc đầu”. Bây giờ tiền đâu ra?

Ba nói con cầm tiền đi. Ba má lo được mà. Nhà trọ, học phí, ăn uống... tạm thời nhiêu đó. Con ráng giữ đừng bịnh nghen con. Rồi ba mẹ sẽ lo tiếp. Khi xe đi hết địa phận Quảng Ngãi thì em gái mới dám gọi cho anh: Ba “lén” anh bán cây mai sau vườn rồi. Lúc mấy người lạ tới nhổ cây mai, ba đứng trân trân. Má không dám nhìn, cứ lui cui rút rơm cho bò ăn. Em nấu cơm dưới bếp cố ý để khói um lên. Ba nạt em, khóc cái gì. Ba trồng cây khác. Đất tốt thì cây xanh. Bây giờ ráng lo cho anh mày cái đã.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.