1. Cuộc "hôn phối" của núi và biển khiến phong cảnh Lộ Diêu đẹp. Khách du lịch đến Lộ Diêu để cắm trại, tắm biển vì vậy ngày càng đông đúc. Họ ví von nơi này là "thung lũng tình yêu".
Muốn đến được Lộ Diêu phải qua đèo. Ngọn đèo cũng có tên Lộ Diêu. Dẫu nằm ven biển nhưng đèo dốc này cao cheo leo đến lạ kỳ. Lúc nhỏ, mỗi dịp về quê, dắt chiếc xe đạp lên đèo theo con đường mòn ngoằn ngoèo mà chỉ cần sơ sểnh một chút là xe sẽ tuột lại phía sau. Mắt chẳng dám nhìn xuống hốc núi sâu hun hút. Nếu chẳng may có bị trượt té khi qua đèo cũng là chuyện thường. Bây giờ đèo đã được san ủi mở rộng, đổ bê tông nên dốc có thấp hơn, nhưng khó mà quên được cảm giác choáng ngợp, sờ sợ mỗi khi qua lại Lộ Diêu.
|
Gành đá nhô ra biển kỳ vĩ hoang sơ nằm dưới chân đèo là chốn nương náu của loài nhum đặc sản để người dân nơi này lặn bắt mưu sinh mỗi ngày. Anh Đỗ Văn Thanh (47 tuổi) là một tay lặn nhum giỏi nhất vùng đồng ý cho tôi tháp tùng cùng đi ra gành để bắt nhum. "Qua ngọn núi này sẽ đến gành. Ở đó nhum nhiều lắm", anh Thanh vừa nói vừa chỉ tay về phía ngọn núi cheo leo án ngữ trước mặt. Dường như bao năm chinh phục gành đá đã quen, đôi chân người đàn ông có biệt tài "sát" nhum này luôn thoăn thoắt sải bước. Cố lắm tôi vẫn không tài nào theo kịp. Theo anh đến vã mồ hôi cuối cùng tôi cũng được thấy tận mắt, sờ tận tay con nhum, thứ mà bấy lâu tôi chỉ biết qua lời đồn đại.
|
2. Một số nơi gọi nhum là con cầu gai. Căn cứ vào hình dạng, người dân Lộ Diêu gọi là con nhím biển cho dễ hình dung. Nhum sống bám vào các hốc đá. Khi thủy triều lên, những tảng đá và cả nhum bị lấp dưới mặt nước biển. Để bắt được nhum thì phải lặn xuống dưới nước, có nơi sâu tới 10 mét. Khoảng từ 5 giờ chiều trở đi, thủy triều rút, nhum và đá nổi trên mặt nước.
Vào những ngày giữa tháng - đợt nước rút thấp nhất, người ta chỉ cần lội ra là có thể bắt nhum. Dụng cụ bắt nhum trang bị cho một người rất đơn giản, chỉ có cái móc nhum, một cái giỏ nhựa và kính lặn. Móc nhum làm bằng sắt, một đầu được uốn cong hình lưỡi câu, có cán cầm rất chắc chắn. "Không thể dùng tay không để bắt nhum nên móc phải chắc như thế mới lấy nó ra khỏi hốc đá được. Khi móc nhum phải móc một lần cho chắc ăn. Nếu lần đầu không tách nó ra khỏi đá thì lần sau không thể lấy con đó được nữa, vì nó biết có động nên hít rất chắc vào đá, có kéo bể thân nó cũng không ra", anh Thanh chia sẻ kinh nghiệm bắt nhum.
|
Đa phần những người lặn bắt nhum là đàn ông con trai. Chị em phụ nữ thường đảm nhiệm vai trò làm nhum. Hễ khi giỏ nhum đầy, những người đàn ông sẽ bơi mang vào bờ. Trên gành đá, bên cạnh những hố nước đọng do thủy triều xuống, chị em bắt đầu xắn tay vào công việc. Họ dùng một con dao lớn chặt con nhum làm hai. Sau đó dùng một dao nhỏ rửa bỏ miệng và phân, phần ruột còn lại có màu vàng cam được cho vào hũ nhựa. Đây chính là thứ cần lấy của con nhum.
Nhum ở Lộ Diêu cũng có nhiều loại: nhum giang, nhum sò, nhum gai, nhum bắn… nhưng nhiều nhất là nhum gai. Nhum sò có gai ngắn, mỏng, có nhiều màu sắc; nhum giang nhìn giống nhum gai nhưng màu đỏ tím; riêng nhum bắn thì nó có thể bắn gai vào đối phương nếu chạm vào nó. Những người trong nghề lặn bắt cho biết thịt nhum gai vẫn béo và ngon nhất. |
Ở "thung lũng tình yêu", đàn ông nhà nào lặn khỏe có thể đi cả ngày, bắt đầu ra gành từ 8 - 9 giờ sáng, còn thông thường thì người ta đi một buổi từ 11 - 12 giờ trưa, đến 7 - 8 giờ tối mới về đến nhà. Bắt nhum chỉ là công việc kiếm thêm, cuộc sống của họ phụ thuộc chính vào nghề nông. "Nếu cha mẹ đi thì mấy đứa con phải có đứa ở nhà chăn bò, hôm nào ra đồng cắt lúa thì cả nhà không đi bắt nhum nữa", chị Thơm cho biết.
Tôi chú ý ở gành đá Lộ Diêu, hầu hết những người đàn ông đi lặn đều có vợ đi cùng. Anh Thanh đùa: "Bà nhà sợ mình bỏ nên đòi đi theo miết". Tôi hỏi nếu hôm nào các chị ở nhà thì có cô nào theo mấy anh đi làm nhum không? "Ai thèm theo mấy ổng, chỉ có… nhum theo thôi", giọng một phụ nữ vang lên. Mấy anh chồng đang ngâm mình dưới gành bỗng cười híp mắt rồi lại lặn sâu. Không khí vui vẻ xua tan cái nắng gay gắt của buổi trưa hè.
|
3. Đi cùng vợ chồng anh Thanh ra biển lần này còn có con gái và mấy đứa cháu. Những lúc chưa có nhum để làm, đứa thì tranh thủ đập hàu về nấu canh, đứa tìm bắt cá chình… Có gia đình còn tranh thủ hái ít rong biển về nấu nước uống. Tranh thủ ít phút ngồi nghỉ để chuẩn bị cho lần lặn tiếp, anh Thanh trò chuyện: "Người lặn nhum phải có sức khỏe, hơi dài và phải chịu lạnh giỏi. Anh nào chịu lạnh yếu thì bắt nhum không nhiều". Anh kể khi lặn dưới biển rất hay bùng tai và nhức đầu, nhiều lúc thấy vài con cá mú ở các hang đá phải lặn vào dùng chĩa để đâm, nhưng gặp những khe khó, sóng đập vào, ai không quen là bị hất tạt vào đá và kẹp chết ngay.
Gặp mùa nước cạn thì không sao nhưng vào những tháng cuối năm sóng to, nước lớn thì lặn bắt nhum luôn đối mặt với hiểm nguy rình rập. Dân trong nghề đều là những người đàn ông khỏe mạnh, bơi giỏi mà lắm lúc cũng không tránh được rủi ro. Anh Thành và anh Cả là hai nạn nhân mới nhất của nghề lặn bắt nhum, khi trong một lần hành nghề trên gành vào trước Tết Nguyên đán vừa qua đã bị sóng lớn đánh, đập vào hốc đá dẫn đến tử vong.
Sinh nghề tử nghiệp là thế. Không hẳn ai cũng may mắn tránh được sóng gió vô tình nhưng biển vẫn mãi luôn là một phần cuộc sống của những người bất chấp hiểm nguy lặn bắt nhum ở thung lũng tình yêu.
Bài & ảnh: Minh Úc
Bình luận (0)