Làn sóng di cư từ Hàn Quốc đang kéo nền Liên Minh Huyền Thoại đi xuống ?

03/11/2015 08:00 GMT+7

Người Hàn đang có mặt tại gần như tất cả các giải đấu lớn, nhưng không phải lúc nào danh tiếng cũng đem lại thành công.

Lại một kỳ Chung kết Thế Giới nữa đánh đấu sự thống trị của các đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại Hàn Quốc và lần này thậm chí còn tuyệt đối hơn khi trận chiến cuối cùng như một phiên bản LCK mở rộng với sự góp mặt của SKT T1 vs KOO Tigers.

LMHT: SKT T1 chính thức trở thành ông vua mùa 2015

SKT T1 vô địch một cách dễ dàng (Ảnh: Riot Games)

Cách Faker cùng đồng đội thoải mái tiến vào trận chung kết phần nào đã nói lên sự chênh lệch sức mạnh hiện tại. Trừ châu Âu và Đài Loan có vài tiến bộ đáng kể, các khu vực còn lại chỉ mang đến sự thất vọng tràn trề. Trung Quốc không có nổi một đại diện vượt qua tứ kết, Bắc Mỹ thậm chí còn thảm hại hơn khi dắt tay nhau ra về ngay vòng bảng. Có vẻ chiến lược nhập khẩu ồ ạt các hảo thủ từ Hàn Quốc không còn đúng tại thời điểm này nữa.

Mất đi bản sắc riêng

Bốn giải đấu Liên Minh Huyền Thoại lớn nhất thế giới ngoài LCK, bao gồm: LCS châu Âu, LCS Bắc Mỹ, LPL và LMS (Đài Loan), chúng ta có thể thấy nhiều tuyển thủ Hàn Quốc đang chiếm giữ những vị trí rất quan trọng của các đội tuyển. Bắt đầu từ sau Chung kết Thế Giới mùa 2014, việc nhập khẩu những người chơi xuất sắc từ xứ sở kim chi đã thành trào lưu toàn trên thế giới. Trung Quốc là nước đi đầu với việc sở hữu cho mình toàn bộ đội hình Samsung Galaxy, Bắc Mỹ cũng không chịu kém cạnh với hai nhà cựu vô địch từ SKT T1 là Impact và Piglet, châu Âu khiêm tốn nhất khi chỉ có bốn cái tên Hàn Quốc.

Có rất nhiều đội Trung Quốc sẵn sàng trả hàng triệu USD để có được Faker (Ảnh: Riot Games)

Lợi ích đầu tiên các tuyển thủ này đem lại chính là thành công và lượng người hâm mộ rất lớn. Họ hầu hết đều là những cá nhân có kỹ năng trội hơn nhiều so với mặt bằng chung, trực tiếp nâng cao chất lượng của giải, cũng như tạo sự hứng thú cho khán giả khi theo dõi. Dù phải bỏ ra nhũng khoản chi phí cực lớn, nhưng rất nhiều đội tuyển vẫn chấp nhận để sở hữu những ngôi sao Hàn Quốc, đơn giản họ chính là con bài mang đến vinh quang trong thời gian ngắn nhất, cũng như nâng cao vị thế cho đội tuyển chủ quản. 

Trung Quốc là nơi chịu ảnh hưởng sớm và rõ ràng nhất của xu hướng này, họ có tới 8 trên 12 đội tuyển tham dự LPL có tuyển thủ Hàn Quốc hàng đầu như: PawN, Imp, Deft, Dandy, v.v. Điều này đã biến LPL trở thành giải đấu cực kỳ hấp dẫn với hàng tá pha biểu diễn kỹ thuật mãn nhãn, các đội thi nhau lao vào giao tranh không cần đếm xỉa tới các mục tiêu lớn, khán giả hứng thú hơn và chất lượng của giải có vẻ "đã tiến lên một tầm cao mới".

EDG say mồi đuổi theo Viktor mà không thèm Dịch Chuyền phá nhà (Ảnh: Reddit)

Nhưng sau thất bại không thể tồi tệ hơn của cả ba đại diện LPL, người Trung Quốc mới chợt nhận ra rằng họ không hề có một chút khái niệm chiến thuật, do quanh năm suốt tháng đắm chìm vào những màn phô diễn kỹ năng vô nghĩa. Đương kim vô địch LGD thua sấp mặt ngay từ vòng bảng, Edward Gaming về nước trắng 3-0 trước Fnatic, chừng đó là quá đủ cho cái gọi là sức mạnh Trung Quốc kết hợp Hàn Quốc.

Đối với Bắc Mỹ, tình hình còn có vẻ bi đát hơn, sau màn thể hiện không thể tệ hại hơn tại Chung kết Thế giới mùa 2015, các đội tuyển bắt đầu chuẩn bị cho mùa giải mới với hàng loạt biến động về nhân sự. Counter Logic Gaming đã đẩy Pobelter đi, còn Doublelift vừa chuyển sang Team SoloMid. Team SoloMid chỉ còn một mình Bjergsen, cũng tương tự như vậy với Cloud9 khi LemonNation đã tuyên bố giải nghệ, trong khi Ball rõ ràng là không còn đủ trình độ để thi đấu chuyên nghiệp nữa. Trong tình cảnh bết bát và thiếu thốn nhân tài trầm trọng như vậy, rõ ràng sự bổ sung đến từ Hàn Quốc sẽ là cứu cánh khả dĩ nhất.

Rush - tuyển thủ Hàn nổi bật nhất lại Bắc Mỹ (Ảnh: Lolesports)

Có một vấn đề rất nghiêm trọng là trình độ người chơi Bắc Mỹ đang ngày càng kém đi, dẫn tới việc nguồn lực nội địa không đủ sức cạnh tranh với các hảo thủ nước ngoài. Việc Gravity Gaming hay Team Liquid mùa trước bứt phá mạnh mẽ hoàn toàn nhờ công của các tuyển thủ Hàn Quốc. Với các đội đang gấp rút tái thiết nhân sự, họ không đủ thời gian cũng như kiên nhẫn để tìm kiếm và thử nghiệm tài năng trẻ. Trong hoàn cảnh LPL đang thay máu đội hình dần dần, nhiều khả năng LCS Bắc Mỹ sẽ là bến đỗ tiếp theo của những Flame, Spirit hay Dandy, tạo ra một vòng chuyển nhượng luẩn quẩn không hồi kết.

Khó khăn cho các tài năng trẻ

LCK quá chật chội để quay về (Ảnh: Ongame)

Thất bại ê chề tại Chung kết Thế Giới mùa 2015 đã khiến người Trung Quốc nhận ra họ không thể xây dựng một nền thể thao điện tử vững mạnh với toàn tuyển thủ ngoại. Rất nhiều đội tuyển bắt đầu công cuộc tái thiết toàn bộ, trừ Imp nhiều khả năng vẫn sẽ ở lại vì tiền, rất nhiều tuyển thủ Hàn đã tính tới chuyện quay trở về nước hoặc tìm một bến đỗ mới. Tuy nhiên điều này rất có khả năng sẽ tiếp tục gây xáo trộn nền Liên Minh Huyền Thoại thế giới.

Rất khó để các tuyển thủ đã ra đi có thể quay lại cạnh tranh một suất thi đấu chính thức ở các đội tham dự LCK. Họ sẽ phải bắt đầu lại từ tầng dưới, nơi sự đào thải cũng khắc nghiệt chả kém hoặc sang những khu vực khác như châu Âu hay Bắc Mỹ tìm kiếm cơ hội. Điều này vô hình chung sẽ giết chết các tài năng trẻ, nhất là với các đội tuyển tầm trung.

Forg1ven là điển hình cho mẫu tuyển thủ tài năng nhưng chẳng đội nào muốn nhận (Ảnh: Lolesports) 

Thành công rực rỡ của Fnatic với việc chiêu mộ Huni và Reignover là minh chứng rõ ràng nhất cho việc người Hàn có thể làm được những gì, tương tự như H2K khi có sự phục vụ của Ryu. Tuy từ trước tới nay châu Âu luôn nổi tiếng với các tài năng trẻ xuất sắc, nhưng khó mà bảo đảm các đội tuyển không xiêu lòng trước hàng tá món hàng chất lượng sắp xuất hiện. Vị trí địa lý cũng là một lý do quan trọng để lục địa già trở thành nơi đóng quân tiếp theo, tuy không gần như Trung Quốc nhưng chắc chắn thuận lợi hơn Bắc Mỹ.

Một lý do nữa, tuyển thủ Hàn Quốc có thái độ thi đấu chuyên nghiệp hơn hẳn các đồng nghiệp, họ rất chú tâm vào chuyên môn, rất ít khi khiến người hâm mộ phiền lòng. Khi trình độ được bảo đảm, cũng như tác phong đúng mực, rõ ràng đặt lên bàn cân ai hơn ai kém đã quá rõ rệt. Các cuộc chuyển nhượng tại LCS thường không bền vững, một phần do các ngôi sao có cái tôi quá lớn gây nên những xích mích liên tục, sau nữa, trừ Fnatic, các tổ chức còn lại thường chỉ hướng tới lợi ích trước mắt hơn là công tác đào tạo dài lâu.

Lời kết

LMHT: SKT T1 chính thức trở thành ông vua mùa 2015

Đến khi nào mới có một đội tuyển khác Hàn Quốc ăn mừng chức vô địch thế giới? (Ảnh: Riot Games)

Quãng thời gian chuyển giao giữa hai mùa giải vẫn còn khá dài, đủ cho các đội tuyển ổn định đội hình và tính tới các mục tiêu sắp tới. Nhưng với những gì đang diễn ra tại LPL, cũng như khả năng ra đi của hàng loạt tuyển thủ Hàn Quốc tại đây, điều đó rất có thể sẽ diễn ra, thậm chí là trên diện rộng.

Bắc Mỹ hiện nay đã tràn ngập những cái tên Hàn Quốc, châu Âu có thể cũng không ngoại lệ. Rõ ràng, cuộc di cư của người Hàn để lại quá nhiều vấn đề cho Liên Minh Huyền Thoại thế giới. Liệu đến bao giờ, một đội tuyển ngoài xứ sở kim chi, không có người Hàn Quốc nào bước lên đỉnh vinh quang thế giới?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.