Làn sóng phản đối cuộc chiến Gaza dâng cao tại Mỹ

Khánh An
Khánh An
01/05/2024 06:00 GMT+7

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của Israel ở Dải Gaza vẫn tiếp diễn tại nhiều trường đại học ở Mỹ, dẫn đến việc hàng loạt người bị bắt.

Đài CNN ngày 30.4 đưa tin hàng chục sinh viên vừa chiếm tòa nhà Hamilton Hall của Đại học Columbia ở khu Manhattan (bang New York, Mỹ) nhằm biểu tình phản đối chiến dịch quân sự của Israel tại Dải Gaza. Đây cũng là tòa nhà nổi tiếng với cuộc biểu tình của sinh viên Mỹ vào năm 1968 nhằm phản đối chiến tranh Việt Nam. Đại học Columbia là một trong nhiều nơi diễn ra các cuộc biểu tình trong khoảng 2 tuần qua, buộc lực lượng chức năng phải bắt giữ hàng trăm người.

Cảnh sát xông vào Đại học Columbia dẹp biểu tình ủng hộ Palestine

Biểu tình lan rộng

Hơn 100 người biểu tình bị bắt giữ hôm 18.4, sau khi Đại học Columbia nhờ cảnh sát giải tán một khu trại của những người biểu tình ủng hộ người Palestine. Động thái trên thể hiện cam kết của chủ tịch trường là bà Nemat Shafik trước Quốc hội Mỹ rằng bà sẵn sàng trừng phạt các cuộc biểu tình trái phép trong khuôn viên trường. Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, việc bắt giữ đã dẫn đến làn sóng biểu tình nhanh chóng lan rộng trên cả nước.

Biểu tình ủng hộ người Palestine tại Đại học Columbia (bang New York, Mỹ) ngày 29.4

Biểu tình ủng hộ người Palestine tại Đại học Columbia (bang New York, Mỹ) ngày 29.4

AFP

Nhiều sinh viên dựng lều tại các trường đại học, yêu cầu nhà trường cắt mọi quan hệ tài chính với Israel, cũng như với các công ty bị cáo buộc tạo điều kiện cho Israel tiến hành chiến dịch ở Gaza hoặc hưởng lợi từ cuộc chiến. Những người biểu tình còn yêu cầu ân xá cho những sinh viên hoặc thành viên khoa bị kỷ luật hoặc bị bắt vì tham gia biểu tình. Israel và những người ủng hộ nước này gọi các cuộc biểu tình trên là bài Do Thái, trong khi một số người chỉ trích rằng cáo buộc này nhằm bịt miệng những người phản đối. Dù một vài người biểu tình có đưa ra những phát biểu bài Do Thái và đe dọa bạo lực, những người tổ chức biểu tình - trong đó có cả người Do Thái - cho hay đây là một phong trào hòa bình nhằm bảo vệ quyền của người Palestine và phản đối chiến tranh, theo CNN.

Ứng viên tổng thống Mỹ bị bắt trong cuộc biểu tình phản đối xung đột Gaza

Biện pháp đối phó

Sau khi cảnh sát bắt giữ các sinh viên tại Đại học Columbia, hàng chục sinh viên biểu tình cũng bị bắt giữ tại Đại học New York (bang New York) và Đại học Yale (bang Connecticut). Tại Đại học Texas ở Austin (bang Texas), cảnh sát trang bị chống bạo loạn cưỡi ngựa đến giải tán một cuộc biểu tình tương tự, trong khi gần 100 sinh viên tại Đại học Nam California (bang California) cũng bị bắt. Tại Đại học Emory ở Atlanta (bang Georgia), lực lượng chức năng giải tán một cuộc biểu tình và bắt giữ 28 người, trong đó có một số giáo sư. Ngoài ra, 108 người biểu tình bị bắt tại Đại học Emerson (bang Massachusetts), còn tại Đại học Bách khoa Virginia (bang Virginia), 91 người bị bắt và bị truy tố vì từ chối giải tán theo lệnh cảnh sát.

Một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết các trường đại học tự quyết định về sự hiện diện của cảnh sát, trong khi không nói rõ liệu những người biểu tình nên bị xử lý hay không. CNN dẫn lời thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre lặp lại việc Tổng thống Joe Biden ủng hộ quyền biểu tình ôn hòa, trong khi chỉ trích những giọng điệu bài Do Thái hay kêu gọi bạo lực. Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson tỏ ý sẽ cân nhắc việc cắt ngân sách liên bang cho những trường để xảy ra biểu tình. 

Ngoại trưởng Mỹ nói Hamas nên chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn 'cực kỳ hào phóng' từ Israel

Nỗ lực vì hòa bình ở Gaza

Tờ The Guardian ngày 30.4 đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa điện đàm, kêu gọi lãnh đạo Ai Cập và Qatar "dùng mọi nỗ lực" hướng tới việc giải thoát các con tin bị Hamas giam giữ, khi đàm phán về lệnh ngừng bắn ở Gaza. Theo ông, vấn đề con tin "giờ đây là trở ngại duy nhất đối với lệnh ngừng bắn lập tức và cứu trợ người dân Gaza". Trở về Qatar sau vòng đàm phán mới nhất ở Ai Cập, phái đoàn Hamas cho biết sẽ "thảo luận ý tưởng và đề xuất" để phản hồi trong thời gian sớm nhất. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng đề xuất từ phía Israel là "cực kỳ hào phóng", và khuyên lực lượng Hamas nên sớm chấp nhận.

Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm ngày 30.4 cho hay 2 nhóm đối lập người Palestine là Hamas và Fatah gần đây đã gặp nhau tại Bắc Kinh để "đàm phán sâu và thẳng thắn về việc thúc đẩy hòa giải nội bộ người Palestine". "Hai bên bày tỏ đầy đủ ý chí chính trị nhằm đạt được hòa giải thông qua đối thoại và tham vấn, thảo luận nhiều vấn đề cụ thể và đạt được tiến bộ tích cực", theo ông Lâm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.