Lần theo âm mưu khủng bố “khủng” nhất nước Anh (Kỳ 2)

09/09/2009 14:14 GMT+7

Kỳ 2: Những lá thư viết bằng mật mã “Thứ bệnh nhiễm trùng da mà anh nói với tôi ra sao rồi? Nó có nặng lên thêm không hay là kem bôi đã phát huy tác dụng?” - đó là một trong những nội dung email mà người của al-Qaeda đã gởi cho Ahmed Ali, kẻ chủ mưu vụ dùng bom lỏng gây nổ hàng loạt trên các chuyến bay xuất phát từ Anh. Nó có nghĩa gì?

Bàn tay của al-Qaeda

Email trên được gởi ngày 31.7.2006, tức đã rất gần với thời điểm cảnh sát Anh tóm 3 nghi can trong âm mưu giết chết hàng ngàn người bằng cách dùng bom dạng lỏng làm nổ tung 7 máy bay từ Anh đi Mỹ và Canada.

 

Có cả thảy 7 chuyến bay đã "lọt vào mắt xanh" của khủng bố để làm nổ tung giữa bầu trời - Ảnh: Reuters

Nó được gởi từ Pakistan sang Anh cho Ahmed Ali. Chưa rõ liên lạc viên ở Pakistan cho từng lá thư cụ thể, có điều một trong những người đọc nó chính là Rashid Rauf, một cái tên rất quen thuộc với tình báo của cả Mỹ và Anh.

Rauf mang quốc tịch Anh nhưng sống tại Pakistan, chính là nhân vật khét tiếng chuyên lên các kế hoạch tấn công cho tổ chức khủng bố đáng sợ nhất hành tinh al-Qaeda. Rauf cũng bị nghi ngờ là tham gia vào việc huấn luyện khủng bố cho al-Qaeda. Trong số những phi vụ mà y đã nhúng tay vào, có cả cuộc đánh bom hệ thống tàu điện ngầm ngay giữa trái tim nước Anh hồi tháng 7.2005 làm chấn động dư luận thế giới.

Đến ngày 3.8.2006, Pakistan đã nhận được hồi đáp từ Ahmed Ali. Hãng truyền thông BBC dẫn nội dung thư: “Nghe này, tôi khẳng định là tôi đang bị sốt. Nhiều khi tôi đi ra ngoài giữa trời nắng để gặp mọi người và tôi thấy trong người rất nóng… Tuy nhiên, tôi cũng đã lên kế hoạch xong cho cửa hàng băng đĩa của mình. Tôi chỉ cần tìm thời điểm thích hợp để khai trương nữa thôi…”.

Những lá thư trên giữa các nghi can khủng bố có nghĩa là gì? Những người này đã “đánh hơi” được rằng họ đang bị lực lượng an ninh Anh theo dõi. “Chứng nhiễm trùng da” mà họ đề cập ở đây chính là sự theo dõi. Tuy nhiên, nhóm này đã không đánh giá được mức độ nghiêm trọng của vấn đề: thực tế là họ bị theo dõi rất sát trong một chiến dịch do thám cá nhân quy mô chưa từng có ở Anh. Theo tờ báo Anh Guardian, đơn vị chống khủng bố của Sở Cảnh sát London, Cơ quan tình báo quân đội MI5 cùng khoảng 220 cảnh sát từ các đơn vị khác đã được huy động cho chiến dịch theo dõi 24/24 này.

Đòn ngón bất ngờ từ Mỹ

Tình báo Anh cũng đã bí mật đọc bức email ngày 6.8.2006 từ Ahmed Ali gởi sang Pakistan: “Tôi sẽ vẫn mở cửa hàng. Tôi không nghĩ rằng tình hình tệ đến độ tôi không thể làm việc. Tuy nhiên, tôi cảm thấy bệnh nặng và thông báo cho anh biết. Tôi cũng đã giải quyết xong chuyện lấy và lưu trữ máy in… Tôi đã chuẩn bị xong tất cả. Điều duy nhất còn lại phải làm là tìm lịch trình để khai trương và các đơn đặt hàng”.

 

An ninh luôn được thắt chặt ở sân bay Heathrow (Anh), nơi những kẻ khủng bố định lên máy bay để giết chết hàng ngàn người - Ảnh: AFP

Lá thư được tình báo Anh giải mã rằng chuông đồng hồ đã sắp điểm và Ahmed Ali muốn thực hiện kế hoạch đánh bom. Cái mà y gọi là “máy in” ở đây chính là bom.

Hơn lúc nào hết, lực lượng an ninh Anh biết rằng cũng đã sắp đến giờ họ phải hành động để ngăn chặn thảm họa đang treo lơ lửng trên đầu hàng ngàn người. Nhưng đó vẫn chưa phải là thời điểm chín muồi nhất. Họ muốn nấn ná thêm một tí nữa giữa lúc các bằng chứng và thông tin mà các đơn vị tình báo thu thập được đang đổ về ngồn ngộn.

Lực lượng an ninh Anh muốn “hốt trọn” ổ khủng bố này. Đơn vị chống khủng bố của Sở Cảnh sát London lúc này đang rất tự tin giám sát mọi hoạt động của những kẻ lãnh đạo vụ này và theo dõi động tĩnh của những kẻ liên quan khác.

Tuy nhiên, một đòn ngón bất ngờ từ ông bạn đồng minh thân thiết là Mỹ đã khiến phía Anh phải đảo lộn mọi kế hoạch, hiểu rõ rằng họ đang ở trong thế “bứt dây động rừng”.

Đó chính là vụ Mỹ bí mật cho bắt Rashid Rauf tại Pakistan mà không thông báo trước cho phía Anh biết tiếng nào. Nghe đâu đích thân Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông George Bush đã chủ trì một cuộc họp tại Nhà Trắng và ra quyết định gây áp lực lên chính quyền Pakistan để bắt Rauf. Một đặc phái viên của Mỹ lập tức lên đường sang Pakisan. Rauf bị bắt ngay sau đó. Phía Mỹ cũng vì lo sợ những rủi ro về mặt an ninh cho nước này mà nhanh tay tóm Rauf.

Không còn cách nào khác, an ninh Anh lập tức ra tay bắt Ahmed Ali cùng 2 nghi can khác vào ngày 9.8.2006.

(Còn tiếp)

Đoan Nhật

Kỳ 1: Hành trình “cực đoan hóa” của kẻ khủng bố

Kỳ cuối: Chiến dịch Công khai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.