Ngày 11.4.2013, nhóm Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp (gọi tắt là trang QLĐT) ra đời và trở thành công cụ tiếp nhận phản ánh chính thống của nhiều ngành TP.Đà Nẵng. Thời điểm đó, sáng lập viên Nguyễn Văn Duy (nay là Phó phòng VH-XH, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng) cùng nhiều quản trị viên nhóm đã nỗ lực xây dựng lòng tin của người dân thông qua việc tiếp nhận phản ánh và xử lý kịp thời, minh bạch thông tin. Dù có những khó khăn bước đầu, nhưng ông Duy cùng các cộng sự đã dành rất nhiều thời gian “chăm sóc” cho nhóm. Đến nay, sau 8 năm hoạt động, trang QLĐT đã trở thành nhóm Facebook lớn nhất của người Đà Nẵng với hơn 137.500 thành viên.
|
Xử lý nhanh, kiểm soát tốt
Ông Diệp Dân Hùng, Trưởng phòng Khoa giáo - Văn xã, Văn phòng UBND TP.Đà Nẵng (quản trị viên của nhóm Facebook), cho biết hiện đội ngũ quản trị viên đã tăng từ 1 đến 10 người. Trong đó, có lãnh đạo các ngành như GTVT, TN-MT, Xây dựng... “Hàng ngày, ban quản trị của nhóm tiếp nhận hàng chục thông tin phản ánh. Sau khi tiếp nhận, ban quản trị sẽ kiểm tra thông tin, nội dung rồi duyệt lên trang trong vòng 24 giờ”, ông Hùng nói.
Báo chí quan tâm đến thông tin phản ánh trong nhóm Facebook
Trước đây, các thành viên nhóm Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghi - Xanh - Sạch - Đẹp thường gọi quản trị viên một cách dí dỏm là các “táo”. Nhờ những “táo” này, với công việc, lĩnh vực cụ thể được phụ trách, họ đã tham gia xử lý tình huống rất kịp thời.
Dẫn chứng về hiệu quả trong xử lý phản ánh của người dân, ông Diệp Dân Hùng thông tin thêm, báo chí cũng quan tâm đến các phản ánh trong nhóm Facebook này. Trong đó, Báo Thanh Niên thường xuyên có bài viết mà thông tin được khai thác từ phản ánh của người dân. “Chẳng hạn về tình trạng ăn xin và ăn xin biến tướngtrong thời gian qua, khi Báo Thanh Niên thông tin, UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi Sở LĐ-TB-XH xử lý thông tin mà báo đã nêu”, ông Hùng nói. |
Tất nhiên, nhóm cũng chủ động và rất nghiêm túc trong việc kiểm soát tin giả. Ông Hùng cho hay ban quản trị đã có cách kiểm tra và chặn những từ ngữ phản cảm, dung tục…“Việc này cũng nhờ cộng đồng, thành viên của nhóm vì bản thân BQT là những cán bộ, công chức với nhiều công việc khác nhau. Các anh chị không có nhiều thời gian để ngồi hàng giờ rồi cho xử lý thông tin. Theo đó, thông qua một hội nhóm khác của BQT, anh em trao đổi để duyệt tin, xóa bài không phù hợp… Đáng ngại nhất là những bình luận không thiện chí, mang tính kích động… cho nên cần phải kiểm soát chặt những bình luận. Nếu sai thì có phản ứng ngay”, ông Hùng nói thêm.
Theo đánh giá của cộng đồng mạng và BQT, nhóm Facebook trở nên hiệu quả trong xử lý các vấn đề đời sống đô thị. Có những quận, phường sau khi nhận được phản ánh trên nhóm Facebook đã cho xử lý rất nhanh, nhất là các địa phương của Q.Sơn Trà. Về quy trình xử lý phản ánh, sau khi nhận được thông tin có liên quan đến quản trị viên phụ trách một lĩnh vực cụ thể thì người đó sẽ có tiếp cận thông tin nhanh, nhận định được nội dung chuẩn và tìm được phương án giải quyết nhanh hơn. Hoặc người này không duyệt đăng tin nhưng lại chuyển cho các đơn vị cơ quan, cá nhân liên quan để xử lý.
“Có khi xử lý được rồi và cho đăng kết quả thì đó cũng là hướng tích cực chứ không nhất thiết việc gì cũng duyệt, đăng lên. Thậm chí, để đảm bảo tính bí mật do liên quan đến tội phạm thì các admin sẽ chuyển cho lực lượng công an nắm bắt, xử lý. Và nhiều vụ việc đã xử lý theo hướng này. Tuy chỉ thực hiện trên môi trường mạng và không phải giấy tờ gì nhưng các ngành cũng vào cuộc kiểm tra, xử lý rất nhanh chóng”, ông Hùng nói.
Bình luận (0)