Lan tỏa lòng nhân ái

29/12/2015 05:41 GMT+7

Tôi không bao giờ quên cái ngày Báo Thanh Niên phát động phong trào “Đưa điện về Sơn Mỹ” sau một bài viết ngắn của tôi Sơn Mỹ cần một tượng đài: Điện!

Tôi không bao giờ quên cái ngày Báo Thanh Niên phát động phong trào “Đưa điện về Sơn Mỹ” sau một bài viết ngắn của tôi Sơn Mỹ cần một tượng đài: Điện!

Quả thật, cuối năm 1997 ấy, khi Sơn Mỹ chuẩn bị kỷ niệm 30 năm ngày xảy ra vụ thảm sát (16.3.1968 - 16.3.1998), cả vùng đất đau thương này gần như còn chìm trong bóng tối vì thiếu điện. Lời kêu gọi và những vận động hết mình, hiệu quả của Báo Thanh Niên đã lay động những tấm lòng yêu nước, yêu nhân dân của toàn xã hội. Rồi vào đúng ngày kỷ niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, ánh điện đã bừng sáng trên vùng quê này. Nó mở đầu cho sự vươn lên của một vùng đất đau thương và anh hùng nhưng vô cùng khổ cực. Từ bấy đến nay cũng đã gần tròn hai mươi năm. Ánh sáng điện Sơn Mỹ đã minh chứng cho sự lan tỏa lòng nhân ái từ một tờ báo.
Báo Thanh Niên không phải là cơ quan từ thiện. Là tờ báo, thì mục đích là làm báo, bán báo, đưa tờ báo tỏa rộng mọi miền đất nước và đi vào từng gia đình, từng người đọc với sự cuốn hút và thói quen đọc báo hằng ngày. Nhưng chính từ mục đích làm báo, Thanh Niên đã không bao giờ quên mình là tờ báo của tuổi trẻ, mà với tuổi trẻ, sự dâng hiến, lòng nhiệt huyết vì việc nghĩa, vì cộng đồng, vì nhân dân và đất nước luôn là sức mạnh thôi thúc nhất, tạo nên những ngọn sóng nhân ái vừa thầm lặng vừa mãnh liệt.
Không thể kể hết trong ba mươi năm của mình, Báo Thanh Niên đã làm được bao nhiêu chương trình nhân ái, đã cứu giúp được cho bao nhiêu số phận người dân, đã nâng đỡ cho bao nhiêu em bé khổ nghèo có cơ hội vươn lên trong học hành và xây dựng cuộc sống. Không có nhiều tờ báo đặt tôn chỉ mục đích của mình cho những hoạt động nhân ái, suy cho cùng, là những tình cảm sâu sắc hướng về nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Tôi yêu Báo Thanh Niên chính là ở chỗ đó, vì tôi cũng đồng hành cùng lý tưởng thương dân yêu nước của tờ báo này suốt ba mươi năm nay.
Đã làm báo, viết báo thì phải nói. Nhưng Báo Thanh Niên không chỉ nói, mà còn làm. Không chỉ kêu gọi, mà còn xắn tay áo vì lòng nhân ái, vì công cuộc xóa đói giảm nghèo ở những vùng khổ cực nhất. Hàng nghìn cây cầu mới đã thay cho những cây cầu khỉ ở đồng bằng sông Cửu Long, hàng vạn em học sinh đã được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình. Khi có dịp về Cần Giuộc viếng tượng đài người anh hùng sinh viên Nguyễn Thái Bình, tôi đã trào nước mắt khi nhớ tới quỹ học bổng đã ra đời từ sự hy sinh của anh, quỹ học bổng do chính những thanh niên yêu nước như anh, vì yêu kính anh, đã lập ra. Lòng yêu nước luôn là dòng chảy tiếp nối liên tục, từ người này sang người khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Báo Thanh Niên là một tờ báo yêu nước, và đã biết cách lan tỏa lòng yêu nước tới tất cả những người VN dù họ ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ công việc gì. Cùng với lòng yêu nước là lòng nhân ái, chính là tình yêu thương nhân dân. Yêu nước thương dân phải là mục tiêu cao cả nhất của Báo Thanh Niên, một tờ báo sống có lý tưởng, và biết sáng tạo nhiều chương trình, nhiều hành động cụ thể hóa lý tưởng ấy. Khi người ta sống có lý tưởng, biết sống vì lý tưởng, người ta sẽ luôn tự tin vững bước trên con đường mình đã chọn, bất chấp những chông gai, trở lực. Như những tiền nhân yêu nước, trong đó có những nhà báo, đã chọn và đã chịu.
Vâng, không có cái gì là đơn giản trên đời này. Yêu nước thương dân lại càng không đơn giản. Người ta hay nói Báo Thanh Niên là tờ báo nổi tiếng chống tiêu cực. Nhưng tôi lại nghĩ, Báo Thanh Niên là tờ báo biết yêu thương. Phải biết yêu thương nhau rồi mới biết yêu thương người khác, yêu thương nhân dân mình.
Hãy giữ ngọn lửa ấm áp của tình yêu thương ấy, để mỗi khi người ta nhắc tới Báo Thanh Niên, là nhắc tới một bếp lửa, một bàn tay thân thiện và sẵn sàng nâng đỡ, một ánh mắt biết chia sẻ tới tận chiều sâu của mỗi số phận con người. Để không bao giờ ngoảnh mặt, không bao giờ hờ hững.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.