Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong 2 ngày làm việc liên tục với lịch trình dày đặc với hơn 30 hoạt động, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 54 đã thành công tốt đẹp ở nhiều phương diện, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra, để lại dấu ấn đậm nét và lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mới.
Một Việt nam phát triển năng động, đổi mới
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao tư duy, tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ chia sẻ về thúc đẩy đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, xây dựng lòng tin chiến lược, bảo đảm cân bằng lợi ích và thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân...
"Các phát biểu của Thủ tướng Chính phủ đã truyền tải những thông điệp rõ nét về đất nước Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu", ông Sơn nói.
Trong 2 ngày làm việc liên tục với lịch trình dày đặc với hơn 30 hoạt động, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 54 đã thành công tốt đẹp ở nhiều phương diện
NHẬT BẮC
"Cũng qua đây, chúng ta nhận thấy thế giới đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với các động lực tăng trưởng được thúc đẩy từ trí tuệ nhân tạo và các công nghệ giảm phát thải carbon. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh củng cố lòng tin chiến lược, thúc đẩy cách tiếp cận cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh trong giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay", theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Theo đó, sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ đã tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và WEF ngày càng thực chất, đi vào chiều sâu trong các lĩnh vực cụ thể như thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM, hỗ trợ phát triển kỹ năng mới cho nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó thiết lập hệ sinh thái để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các nước ấn tượng về thành tựu phát triển của Việt Nam
Chuyến thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là hoạt động trao đổi đoàn đầu tiên ở cấp người đứng đầu Chính phủ trong 7 năm qua với Hungary và 5 năm với Romania trong bối cảnh Việt Nam và hai nước sẽ kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Hai nước đều đã dành cho Thủ tướng Chính phủ, phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp, chân thành của những người bạn thân thiết.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 30 cuộc gặp gỡ, trao đổi với tất cả lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, đảng chính trị hai nước, phát biểu chính sách tại các trường đại học, dự diễn đàn doanh nghiệp, gặp hội hữu nghị hai nước với Việt Nam, gặp cộng đồng bà con người Việt và thăm một số cơ sở kinh tế, khoa học kỹ thuật.
Chuyến thăm của Thủ tướng tại Hungary làm nồng ấm thêm quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước
NHẬT BẮC
"Lãnh đạo Hungary và Romania bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; mong muốn đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất; phối hợp xử lý các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn thông báo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nhằm tăng cường tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, làm nền tảng để mở rộng hợp tác trên mọi lĩnh vực.
Về kinh tế - thương mại - đầu tư, các nhà lãnh đạo khẳng định tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Hungary như dược phẩm, nông nghiệp, công nghệ thông tin và Romania như phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, thông tin truyền thông, chế biến thực phẩm.
Hai bên nhất trí mở cửa hơn nữa thị trường của nhau đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản…; xem xét khả năng triển khai các dự án hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ ở mỗi nước.
Lãnh đạo Hungary và Romania nhất trí ủng hộ triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), khẳng định sẽ thúc đẩy các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) và Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ cảnh cáo "thẻ vàng" IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Việt Nam cùng hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực hợp tác truyền thống như GD-ĐT, VH-TT-DL, lao động... và hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như KH-CN, TT-TT, dược phẩm, đổi mới sáng tạo, môi trường…
Thủ tướng Romania Ion - Marcel Ciolacu gọi Thủ tướng Phạm Minh Chính là "một người bạn tốt" và khẳng định sẵn sàng làm đối tác chính trong việc đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường châu Âu.
NHẬT BẮC
Một điểm nhấn của chuyến thăm là hợp tác GD-ĐT với việc ký kết gần 30 văn bản hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của Hungary và Romania.
Gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Hungary và Romania, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh bà con kiều bào đã có nhiều nỗ lực đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, hội nhập vào xã hội sở tại và luôn hướng về quê hương, đất nước.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo đại sứ quán Việt Nam ở hai nước tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ bà con cộng đồng làm ăn, sinh sống và hội nhập. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Hungary công nhận cộng đồng Việt Nam là dân tộc thiểu số.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định: "Chuyến thăm chính thức Hungary và Romania của Thủ tướng Chính phủ đã thành công về mọi mặt, là dấu mốc quan trọng trong quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hungary và quan hệ Đối tác hữu nghị truyền thống Việt Nam - Romania, gia tăng tin cậy chính trị, đẩy mạnh toàn diện hợp tác song phương trong giai đoạn phát triển mới ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, phục vụ các lợi ích an ninh, phát triển của ta và đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới".
Bình luận