Ở điểm thi số 1 diễn ra tại Trường ĐH Công nghệ, hội đồng chuyên gia có sự tham dự của PGS.TS Lương Khắc Hiếu, nguyên Quyền Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; TS Đỗ Phương Thảo, Giám đốc Trung tâm thông tin công tác Tuyên giáo (Ban Tuyên giáo T.Ư) và anh Nguyễn Thái An, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Đoàn.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần tự tin, 10 thí sinh đã thể hiện xuất sắc phần thi của mình với những chuyên đề gắn liền với thực tiễn. Trong đó, có nhiều chuyên đề với nội dung về phát huy vai trò của tổ chức Đoàn.
Thí sinh Nguyễn Thị Ngọc (Tỉnh đoàn Điện Biên) đã mang đến chuyên đề phát huy vai trò của tổ chức Đoàn trong giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên Điện Biên hiện nay. Với những dẫn chứng về lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và mang đến huy hiệu chiến sĩ Điện Biên để minh họa cho phần thi của minh, thí sinh Ngọc đã truyền tải một tinh thần yêu nước sâu sắc. Bên cạnh đó, thí sinh này cũng nêu ra những khó khăn và trình bày các giải pháp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên.
Còn Đinh Ngọc Thanh (Thành đoàn Hà Nội), trình bày chuyên đề về phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong bảo vệ nền tư tưởng của Đảng trên không gian mạng theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Chuyên đề gồm 3 nội dung chính, đó là: Cơ sở lý luận và thực tiễn; nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trên không gian mạng; phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, đoàn viên, thanh niên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ở phần thi của mình, thí sinh Nguyễn Nhật Linh (Tỉnh đoàn Bạc Liêu) trình bày chuyên đề về một số giải pháp nắm bắt, thu hút, định hướng, đoàn kết và tập hợp đoàn viên, thanh thiếu nhi trên không gian mạng của tổ chức Đoàn hiện nay. Thí sinh Nhật Linh đã nhấn mạnh hiệu quả tuyên truyền từ các cổng thông tin của T.Ư Đoàn thông qua việc tổ chức các cuộc thi đã mang lại sức lan tỏa lớn đối với đoàn viên, thanh thiếu nhi. Đồng thời đề xuất những phương hướng như: tổ chức, tập huấn các kỹ năng cần thiết; xây dựng đội ngũ chuyên gia về lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng xã hội; trưng dụng những cán bộ Đoàn, đoàn viên có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng; phối hợp với ngành giáo dục để triển khai các chương trình rèn luyện kỹ năng an toàn mạng cho học sinh.
Thí sinh Nguyễn Đăng Huy (Tỉnh đoàn Kon Tum) với chuyên đề đa dạng hóa phương thức, nâng cao chất lượng công tác dự báo, nắm bắt dư luận xã hội trong thanh niên và chủ động cung cấp thông tin định hướng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên đề thiết thực về nội dung giáo dục, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thế hệ trẻ cũng được các thí sinh lựa chọn để báo cáo.
Thí sinh Lý Thị Mơ (Tỉnh đoàn Bắc Kạn), đã mang đến chuyên đề phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Một số giải pháp nổi bật được thí sinh này đưa ra đó là: hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời thúc đẩy hợp tác, liên kết phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản của thanh niên. Bên cạnh đó, thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên chuyển đổi số trong lĩnh vực nông thôn; triển khai các đội trí thức trẻ tình nguyện, đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, chung sức xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn.
Phan Thị Quí Anh, thí sinh đến từ Thành đoàn Cần Thơ đã mang đến chuyên đề mùa hè số: Chiến dịch thanh niên tình nguyện hè thời đại mới với phương châm công nghệ kết nối, giá trị nhân đôi. Theo thí sinh Quí Anh việc ứng dụng chuyển đổi số vào phong trào tình nguyện của thanh niên, trong đó có mùa hè xanh là điều cần thiết. Điều này vẫn giữ được tinh thần tình nguyện của thanh niên nhưng sẽ giúp đẩy mạnh hiệu quả nhờ những lợi ích mà công nghệ mang đến...
Thí sinh Nguyễn Hương Giang (Thành đoàn Hà Nội) đã trình bày chuyên đề về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Bao gồm 3 phần chính: Quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên; thanh niên học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; một số giải pháp giúp tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng cho thanh niên...
Sau khi chứng kiến 10 phần thi của các báo cáo viên, PGS.TS Lương Khắc Hiếu, đánh giá: “Do có sự chuẩn bị tốt nên năm nay nội dung chuyên đề của các thí sinh rất sâu sắc, hình thức và phương pháp trình bày khá tiêu biểu. Các báo cáo viên đã tận dụng được những ưu thế của mình để tạo nên tính truyền cảm. Sau cuộc thi này, các báo cáo viên khi về cơ sở sẽ phát huy hết thành tựu mà mình đã đạt được. Tiếp tục lan tỏa kết quả đó, tham gia ngày càng tích cực, tự giác và sáng tạo hơn trong công tác tuyên truyền viên để đưa những đường lối, chính sách, chủ trương đến với đối tượng thanh niên”.
Bên cạnh hội đồng chuyên gia, phần thể hiện của các báo cáo viên còn được đánh giá và chấm điểm bởi nhóm giám khảo thanh niên gồm 50 người là thành viên câu lạc bộ Lý luận trẻ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ Đoàn tại các đơn vị cơ sở trên TP.HCM.
Từ vòng thi này, ban giám khảo sẽ chọn ra 2 thí sinh có số điểm cao nhất tại mỗi bảng để vào vòng chung kết của hội thi.
Bình luận (0)