Trả ơn nơi đã cưu mang mình
10 giờ 30, ngôi nhà riêng của vợ chồng ông Trần Ngọc Đạt, nằm trong con hẻm 30 trên đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bỗng trở thành quán cơm. Trước quán là một dòng chữ đặc biệt: "Cơm 5K. Bà con cô bác cứ bỏ 5.000 đồng vào thùng khi ăn. Nếu kẹt tiền, lần sau bỏ cũng được. Chúc ăn ngon miệng!", khiến hàng dài khách chờ mua cơm thấy ấm lòng.
Theo quan sát của chúng tôi, đến đây mua cơm đa phần là những người lao động nghèo như người lượm ve chai, bán vé số, người già… Mọi người lần lượt xếp hàng, cho tiền vào thùng rồi chờ nhận phần cơm mang đi hoặc ăn tại chỗ.
Ông Đạt cho biết quán ăn này được mở cách đây 2 tháng. Hằng tuần, dù bận rộn với công việc làm chủ một tiệm xăm cũng trên đường Thích Quảng Đức nhưng ông và vợ vẫn dành ra 2 ngày để tự chuẩn bị món và bán cơm tấm với giá "siêu rẻ" này. Người phụ quán là vợ, người thân cùng các học trò của ông.
Nói về lý do mở quán, ông trần tình: "Tôi từng đi qua những ngày gian khổ nên vô cùng hiểu và cảm thông cho những người lao động khó khăn. Ngày làm được mấy trăm ngàn, mà mua đồ ăn thì cũng gần hết rồi. Tôi mở quán này để giúp họ nhẹ gánh lo hơn!". Mới 17 tuổi đã từ miền Tây lên TP.HCM lập nghiệp, trải qua đủ nghề lao động tay chân để có được cuộc sống ổn định như hôm nay, hơn ai hết ông Đạt thấu hiểu hoàn cảnh của người lao động nghèo. Đây cũng là cách ông trả ơn TP.HCM đã cưu mang, cho ông cơ hội thay đổi cuộc đời.
Ông chủ hào sảng cho biết toàn bộ chi phí để duy trì quán cơm này là lợi nhuận của quán cà phê nằm ở trên lầu, cũng do vợ chồng ông mở. Ông khẳng định mình không nhận quyên góp hay kêu gọi quyên góp, có bao nhiêu làm bấy nhiêu và làm đến khi nào không còn điều kiện thì ngừng.
"Lời to" nụ cười và niềm hạnh phúc
Ông chủ cho biết từ ngày mở quán cơm này, vợ chồng ông "lời to". Cái lời ở đây chính là nụ cười và niềm hạnh phúc của những vị khách tới ăn và cả của người bán. Chính điều đó là động lực để vợ chồng ông tiếp tục duy trì quán cơm.
Tất bật làm món cho hàng dài khách chờ, bà Dương Thị Thanh Thảo (48 tuổi, vợ ông Đạt) cho biết từ sáng sớm bà đã thức dậy đi chợ, mua thực phẩm ngon nhất để bán. Mỗi ngày bán, bà Thảo cho biết có thể phục vụ chừng 250 phần cơm, bán từ 10 giờ 30 đến 14 giờ, có những ngày hết sớm hơn.
Bà Duyên (60 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận), hằng ngày đi lượm ve chai kiếm sống, ăn ở đây lần thứ 3 và lần nào bà cũng khen ngon. Vị khách này cho biết không gian quán sạch sẽ, món cơm sườn trứng ở đây được chế biến đậm đà khiến bà rất thích. Cái quan trọng là bà được ăn ngon, no bụng mà giá chỉ có 5.000 đồng. "Mong cho quán cơm mở càng lâu càng tốt để những người lao động chúng tôi tiết kiệm được tiền ăn uống. Tiết kiệm được khoản đó là nhẹ lắm! Cảm ơn vợ chồng chủ quán và mọi người, tôi sẽ còn ghé đây khi quán còn mở", bà cười tươi.
Bà Hồ Ngọc Vũ, Tổ trưởng tổ 31, khu phố 3 (P.5, Q.Phú Nhuận) cho biết vợ chồng ông Đạt không chỉ giúp đỡ những người khó khăn bằng quán cơm này thời gian gần đây, mà trước đó, đặc biệt trong dịch Covid-19, họ đã giúp đỡ, hỗ trợ thực phẩm, bình ô xy cho nhiều người. "Về quán cơm 5.000 đồng, tôi nghĩ đây là một cách làm hay để hỗ trợ những người lao động khó khăn. Sự tốt bụng của vợ chồng anh Đạt người dân ở đây ai cũng biết và quý mến", bà Vũ nói.
Vợ chồng ông chủ cho biết quán sẽ còn duy trì đến khi nào không còn khả năng, ngoài ra họ cũng có quán cơm ở Bạc Liêu bán 4 ngày/tuần, mỗi phần cơm có giá 0 đồng, cho bệnh nhân chạy thận suốt gần 1 năm qua.
Bình luận (0)