Ủng hộ con dâu đi tìm hạnh phúc mới
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Yên Dưỡng (H.Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ), cho biết câu chuyện mẹ chồng gả con dâu đi bước nữa lan truyền trên mạng xã hội những ngày qua là có thật. Bản thân ông cũng được mời đến dự đám cưới đó của chị Hoàng Bảo An (30 tuổi).
Được biết, chồng chị An qua đời cách đây 5 năm. Đến nay, chị mới quyết định tái giá. Để đám cưới diễn ra chu toàn, bố mẹ chồng chị là ông Trần Năng Toán và bà Đặng Thị Hòa quyết định đứng ra lo liệu cho con dâu như con gái ruột. Đa số các bình luận đều ủng hộ và cho rằng hiếm có nhà chồng nào thương con dâu đến thế. Đặc biệt là cảnh bố mẹ chồng lên trao quà cho con dâu, dặn dò chú rể.
Chia sẻ với Thanh Niên, bà Đặng Thị Hòa (66 tuổi) cho biết sau đám cưới, gia đình bà và chị An rất bất ngờ khi nhận được nhiều lời chúc mừng từ cộng đồng mạng. Bà kể, cuối năm 2016, Bảo An kết hôn với con trai bà. Cả hai chỉ sống với nhau được vài năm thì con trai bà qua đời đột ngột vì tai nạn lao động. Ngày con trai mất, con dâu đang chăm con nhỏ (cu Bon) tròn 5 tháng tuổi. Sau biến cố, An quyết định chuyển việc từ Hà Nội về Phú Thọ, sống gần gia đình chồng để bố mẹ chồng vơi đi nỗi cô quạnh. Từ đó đến nay, An không chỉ làm tròn trách nhiệm con dâu mà như con gái ruột trong gia đình.
"Vừa rồi, An xin phép vợ chồng tôi cho con đi bước nữa. Con còn ít tuổi, chuyện tìm hạnh phúc mới là lẽ đương nhiên. Nhưng thú thực lúc ấy tôi vui buồn lẫn lộn. Tôi nghĩ đó là cảm xúc khó tránh khỏi của một người mẹ trải qua mất mát. Sau cùng, vợ chồng chúng tôi vẫn ủng hộ con hết lòng và mong con thật hạnh phúc", bà Hòa tâm sự.
Theo bà Hòa, con dâu thưa chuyện về ý định tổ chức hôn lễ vào tháng trước. Nghe con dâu chia sẻ, ông Toán khuyên con nên nói chuyện với bố mẹ đẻ. "Tuy nhiên, khi ấy chúng tôi nhận được câu trả lời của con rằng: "Con là con dâu nhà mình, phải được bố mẹ chồng đồng ý thì con mới thưa chuyện với bố mẹ đẻ", bà Hòa nhớ lại.
"Con phải sống thật hạnh phúc nhé !"
Được gia đình bố mẹ đẻ của chị Bảo An tin tưởng, vợ chồng bà Hòa đứng ra lo lễ cưới cho con dâu. Mọi khâu đều đầy đủ, đúng phong tục. Thậm chí, vợ chồng bà Hòa còn chuẩn bị cả quà cưới cho chị. Đám cưới của chị An diễn ra với những thủ tục bình thường như những đám cưới khác ở cùng quê. Tuy nhiên, khác một điều, trong mọi phần trao đổi, phát biểu, vợ chồng ông Toán, bà Hòa đều là người đứng ra "đại diện họ nhà gái".
Đặc biệt, gia đình ông Toán không nhận phong bì, quà cưới từ khách mời mà chỉ nhận tấm lòng và có sự hiện diện đầy đủ của khách mời. "Ban đầu, con dâu ngỏ lời muốn chúng tôi đứng ra lo liệu, phần chi phí để An tự trang trải. Thế nhưng chồng tôi không nhận, dứt khoát đứng ra chu toàn cho con dâu", bà Hòa nói.
Vợ chồng bà Hòa có bốn người con, 3 trai và 1 gái. Khách đến dự đám cưới là họ hàng thân hữu, hàng xóm không thiếu một người, mâm cỗ đơn giản nhưng tươm tất. Ngày cưới, trước khi lên sân khấu trao quà cho con dâu, bà Hòa được mọi người động viên và tự nhủ sẽ không khóc trong ngày vui của con. Tuy nhiên, trong khoảnh khắc xúc động, bà không kìm được nước mắt và ôm con dâu vào lòng, dặn dò: "Con phải sống thật hạnh phúc nhé!". Bà Hòa dặn con dâu, còn ông Toán dặn dò chú rể: "Sau này phải đối xử thật tốt với Bảo An đấy nhé!".
"Bố mẹ chồng gả con dâu là chuyện hiếm xảy ra. Thế nhưng chúng tôi quyết định nghe theo lương tâm và tình cảm của mình", bà bộc bạch. Chồng mới của Bảo An là người trong làng, thế nên cháu nội và con dâu vẫn thường xuyên lui tới nhà bà. "Bây giờ, tôi có thêm con trai cũng được mà gọi là con rể cũng chẳng sao. An về đây thì như con gái về nhà mẹ đẻ", bà nói thêm.
Bình luận (0)