Làng biển xưa còn một chút này...

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
19/06/2023 13:44 GMT+7

Từ tuyến đường Trần Hưng Đạo sầm uất, chỉ thêm vài bước chân, du khách sẽ "lạc" vào 2 làng biển vẫn còn giữ được những nét nguyên sơ, xưa cũ của Đà thành.

Ngõ nhỏ, phố nhỏ, làng xưa còn đó…

Dù tên đường, tên phố được đặt đầy đủ nhưng khi nhắc đến khu vực nằm bên trái cầu Sông Hàn (TP.Đà Nẵng) ở phía bờ đông, người ta vẫn quen gọi cái tên làng biển An Tân, An Đồn thuộc P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà hơn là khối phố, tổ dân cư... Và thật kỳ lạ, dù cách khán đài pháo hoa cùng dãy nhà cao tầng mặt tiền đường Trần Hưng Đạo chỉ vài chục mét nhưng 2 ngôi làng vẫn còn giữ được những nét xưa cũ, nguyên vẹn với cấu trúc xóm làng theo văn hóa truyền thống lâu đời. Các làng vẫn còn mái đình, cây đa, giếng nước…

Làng biển xưa còn một chút này... - Ảnh 1.

Căn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Hoa đậm chất truyền thống cư dân làng biển xưa

Hoàng Sơn

Cơn lốc đô thị hóa của Đà Nẵng gần như bỏ quên 2 ngôi làng này, để đến hôm nay bên trong vẫn còn những ngõ nhỏ, phố nhỏ, đường sá quanh co, cao thấp trông rất đẹp mắt. Thú vị hơn, tuy có lối kiến trúc tự phát nhưng cả An Tân và An Đồn vẫn còn nhiều ngôi nhà mang đậm nét của cư dân miền biển xưa, được xây dựng từ hàng chục đến cả trăm năm trước. Không khó để bắt gặp những ngôi nhà cổ kính từng là nơi cư trú của tứ đại đồng đường, nay dành để làm nhà từ đường.

Căn nhà của bà Lê Thị Quốc (50 tuổi, trú tại K10/21 đường Nguyễn Thế Lộc thuộc làng An Tân) được chăm chút thanh nhã từ màu vôi vàng cũ kỹ ở tường rào cho đến mái ngói âm dương sẫm màu thời gian. Bước vào bên trong, gian thờ chính giữa đậm chất xưa với câu đối chữ Hán, phong cách bày biện thờ tự như những nhà cổ thường thấy ở những vùng quê. "Căn nhà này được ông cố nội tôi xây dựng cách đây cả 100 năm rồi. Đến đời ông nội, đời cha và nay đến tôi ở đây để chăm lo nhang khói. Vì là phụ nữ nên tôi theo nghề bán cá ở chợ Hàn chứ những đời trước, trong nhà là những ngư dân rành nghề… Trong xóm này hiện còn nhiều căn nhà như thế này và họ dùng để làm nơi thờ tự", bà Quốc chia sẻ.

Có phần trẻ tuổi hơn, nhưng căn nhà của ông Nguyễn Văn Hoa (51 tuổi, trú tại 257/16 Trần Hưng Đạo, thuộc làng An Đồn) vẫn mang nét xưa cũ của những năm 70 thế kỷ trước. Từ đời ông nội, đời cha đến đời ông, căn nhà chỉ mới trải qua vài đợt sửa chữa. Từ căn nhà của ông nhìn chéo sang trái khoảng vài chục mét là một cây đa lớn, nơi người dân hiện vẫn tranh thủ bóng râm để bán nước, chút ít thực phẩm, đồ ăn… như cảnh xưa ở những miền quê. Cạnh cây đa là đền thờ Bà Thân hạ xứ linh thiêng của cư dân miền biển bao đời qua. Ở làng An Tân cũng có đình làng, miếu xóm tập trung ngay phía sát đường Nguyễn Thế Lộc.

Làng biển xưa còn một chút này... - Ảnh 2.

Căn nhà khoảng 100 năm tuổi của gia đình bà Lê Thị Quốc còn giữ được những nét xưa cũ.

Giấc mơ "Bảo tàng sống"

Cách đây 6 năm, nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Mỹ Dũng (hội viên Hội NSNA VN) sau khoảng thời gian 5 năm ròng rã đi điền dã, khảo sát, nghiên cứu kiến trúc, hạ tầng, di sản phi vật thể… của 2 làng biển An Tân và An Đồn, đã đề xuất ý tưởng "Đưa nghệ thuật cộng đồng vào không gian sống - Bảo tồn làng biển xưa Đà Nẵng" tại tứ giác thuộc 4 con đường Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thế Lộc - Ngô Quyền - An Đồn (khoảng 5,2 ha). Quan điểm chính là giữ nguyên hiện trạng, tuyệt đối không đập phá các kiến trúc cũ cũng như không xây những công trình mới.

NSNA Mỹ Dũng cũng đề nghị thiết kế quy hoạch tổng thể, chỉnh trang, đặt tên ngõ nhằm thuận tiện giao thông; đầu tư đèn đường, bảo đảm vệ sinh môi trường, thoát nước; sáng tác mỹ thuật cho từng ngôi nhà, con đường, tường rào, ngõ hẻm và ứng dụng nghệ thuật sắp đặt... "Từng là người đi từ các làng biển Quảng Ninh đến Cà Mau để thực hiện cuốn sách ảnh, tôi nhận thấy 2 ngôi làng ngoài việc giữ được các giá trị kiến trúc vật thể thì di sản văn hóa phi vật thể như cúng bái, tế lễ, cầu ngư... vẫn còn được người dân thực hiện nguyên bản. Người dân hôm nay tuy không còn theo nghề biển nhưng truyền thống gia đình, khí chất mặn mòi trong mỗi con người vẫn còn đó. Họ sẽ là những người vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị của 2 làng biển xưa này", NSNA Mỹ Dũng nhận định.

Làng biển xưa còn một chút này... - Ảnh 3.

Dấu tích của thành cổ An Hải góp phần làm dày thêm tính lịch sử của 2 ngôi làng.

Dù vậy, theo nghệ sĩ, khu dân cư lâu nay vốn không được chỉnh trang nên hiện nhếch nhác, đời sống người dân không cao, thậm chí còn có sự xộc xệch so với nếp sống văn minh, nên cần thiết phải có sự đào tạo bài bản để người dân làm du lịch cộng đồng. Đề án mà ông ấp ủ mục tiêu lớn nhất là góp phần gìn giữ nét văn hóa của làng chài Đà Nẵng xưa, làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của TP. Từ đó cải thiện, nâng cao mức sống của người dân từ việc buôn bán hàng lưu niệm, hải sản khô, sản phẩm nghệ thuật, ẩm thực, dịch vụ homestay...

Người dân ủng hộ đề án

Từ năm 2017, ý tưởng của ông Mỹ Dũng được Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng lúc đó là ông Đặng Việt Dũng đánh giá cao. Ông Dũng đã giao UBND Q.Sơn Trà phối hợp với tác giả, ngành chức năng liên quan lên thiết kế ý tưởng, khảo sát nhằm xác định bản sắc, nếp sống của người dân tại 2 làng chài để có định hướng phát huy. Tuy nhiên, đến nay, ý tưởng này vẫn chưa được triển khai. Ông Hoàng Sơn Trà, Chủ tịch UBND Q.Sơn Trà, cho biết đang cho kiểm tra lại đề xuất đã nêu.

"Tôi mong ước đề án được triển khai để khách nước ngoài đến với chúng ta vì TP biển này có ký ức, có linh hồn. Những làng chài An Tân, An Đồn vẫn hiện hữu ở đó với những nét đẹp xưa cũ, con người đậm chất vùng biển. Hay nói cách khác, tôi mong muốn biến 2 ngôi làng thành một "bảo tàng sống" với những con người sinh hoạt đời thường, dung dị mà khác biệt trong mắt du khách", NSNA Mỹ Dũng nói. Với mức kinh phí không quá lớn, ông sẵn sàng cùng chính quyền địa phương tìm kiếm nguồn đầu tư xã hội hóa.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cũng ủng hộ ý tưởng biến An Tân, An Đồn thành một bảo tàng sống để bảo tồn và phát huy giá trị tại 2 làng chài xưa này. Khu vực 2 làng chài có đền thờ Bà Thân hạ xứ (di tích văn hóa - lịch sử cấp TP) nằm trong khu vực được cho là gần vị trí của thành An Hải. Thành này cùng với thành Điện Hải được xem là 2 vị trí phòng thủ trọng yếu của quân đội nhà Nguyễn trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp tại Đà Nẵng. Cùng với yếu tố lịch sử cộng những giá trị hiện hữu của 2 làng chài xưa, khu vực này nếu được chỉnh trang để bảo tồn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. "Vấn đề quan trọng nhất là phải tạo ra được không gian văn hóa di sản để có cơ sở phát huy", ông Thiện nhấn mạnh. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.